Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Pak đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

20:49, 16/01/2015

Trong những năm qua, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ) trên địa bàn huyện Krông Pak đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác trong quần chúng nhân dân, bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương.

Thực hiện Chương trình Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 1-12-2011 của Ban Bí thư và Chương trình số 14-Ctr/TU ngày 22-2-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân BVANTQ trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Pak đã ban hành Chương trình số 09 - Ctr/HU ngày 28-3-2012 và triển khai sâu rộng cho các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc. Trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 09, Huyện ủy luôn xác định đây là nhiệm vụ quan trọng để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân xây dựng “thế trận quốc phòng nhân dân” và “thế trận an ninh nhân dân”, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Tổ NDTQ xã Hòa Đông đi tuần tra, bảo vệ cà phê.
Tổ NDTQ xã Hòa Đông đi tuần tra, bảo vệ cà phê.

Ông Võ Viết Khương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, Phó trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) phong trào Toàn dân BVANTQ huyện Krông Pak cho biết: Trong những năm qua, từ huyện đến các xã, thị trấn đã lồng ghép tổ chức hàng trăm buổi quán triệt, học tập, phổ biến các văn bản của Tỉnh ủy, Huyện ủy đến đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân với nhiều hình thức phong phú, thiết thực phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình hình cụ thể của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Ủy ban MTTQ huyện phát huy được vai trò là cơ quan tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, cùng với các cơ quan, ban, ngành tổ chức có hiệu quả các buổi tuyên truyền, giáo dục pháp luật sâu rộng trong nhân dân; phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn cho hàng trăm lượt cán bộ tham dự… Huyện Đoàn phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện mở các lớp tập huấn tuyên truyền về chủ nghĩa yêu nước và kỹ năng công tác Đoàn; tổ chức hội thi sân khấu không chuyên về đề tài “Ngày hội thanh niên với văn hóa giao thông” thu hút gần 1.000 đoàn viên, thanh niên tham gia. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tuyên truyền, phổ biến trong các tầng lớp phụ nữ về phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, phòng chống mại dâm, ma túy, HIV/ AIDS… cho gần 30.000 lượt người tham gia. Hội Cựu chiến binh huyện phối hợp với Đoàn thanh niên tổ chức các buổi nói chuyện truyền thống cho 25 trường học với hơn 28.000 học sinh và thầy cô giáo tham dự. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện cũng đã tổ chức 71 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn pháp lý cho gần 13.500 lượt hội viên…    

Hiệu quả rõ nhất trong phong trào Toàn dân BVANTQ là sự phối hợp giữa lực lượng công an với các ngành, đoàn thể trong huyện. Thượng tá Nguyễn Hoanh, Phó trưởng Công an huyện cho biết: Thời gian qua, lực lượng công an huyện đã chủ trì, phát động phong trào Toàn dân BVANTQ được 56 đợt với trên 7.400 lượt người tham dự; đưa 16 đối tượng Fulro, 28 đối tượng tham gia tà đạo Hà mòn… ra kiểm điểm trước dân. Công an huyện cũng phối hợp với quần chúng nhân dân vận động 4 đối tượng truy nã ra đầu thú; gọi hỏi, giáo dục và yêu cầu viết giấy cam đoan không tái phạm 215 đối tượng hình sự; tổ chức 6 buổi tuyên truyền về tác hại ma túy cho hơn 2.200 lượt người tham dự; vận động quần chúng nhân dân giao nộp hàng chục khẩu súng tự chế cùng nhiều đạn, ngòi nổ, thuốc nổ tự chế… Bên cạnh đó, lực lượng công an các cấp đã xây dựng và duy trì 7 mô hình điểm Tổ nhân dân tự quản (NDTQ), 2 mô hình phòng ngừa trẻ em làm trái pháp luật; kiện toàn 255 tổ an ninh nhân dân, 284 tổ hòa giải, 32 tổ thanh niên xung kích về an ninh trật tự, 138 tổ dân phòng…

Có thể nói mô hình Tổ NDTQ tại các xã như: Hòa Đông, Ea Knuếk… đã thực sự mang lại hiệu quả rõ rệt trong phong trào Toàn dân BVANTQ tại địa phương. Các thành viên trong Tổ chủ yếu là cựu quân nhân có sức khỏe, uy tín cùng với sự tham gia của công an viên. Hằng ngày Tổ NDTQ chia thành 3-4 nhóm (mỗi nhóm 5-7 người) thực hiện liên tục nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Từ khi thành lập đến nay, các Tổ NDTQ trong huyện đã bắt được nhiều vụ trộm cắp vặt, thậm chí bắt được đối tượng có lệnh truy nã để giao cho lực lượng công an xử lý. Bên cạnh đó, các Tổ NDTQ cũng ký cam kết với các hộ dân trong khu vực mình quản lý thực hiện tốt “4 không” (không gia đình nào vi phạm pháp luật, không chứa chấp tiêu thụ tài sản trộm cắp, không che giấu tội phạm, không vi phạm Luật Giao thông đường bộ). Nhờ những hoạt động hiệu quả của các Tổ NDTQ tình hình an ninh trật tự ở địa phương có nhiều chuyển biến tích cực; các vụ mâu thuẫn trong nội bộ dân cư giảm rõ rệt, các vụ phạm pháp hình sự cũng giảm dần. Đặc biệt, mô hình này đã góp phần làm chuyển biến nhận thức của người dân trong phong trào Toàn dân BVANTQ trên địa bàn huyện.

Phong trào Toàn dân BVANTQ cũng luôn được BCĐ huyện gắn kết với các cuộc vận động, các phong trào khác như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Dân vận khéo”; “Xóa đói giảm nghèo”… Phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trên địa bàn huyện Krông Pak đã tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động, xây dựng được các nguồn quỹ khác nhau như: “Vì người nghèo”, “Mái ấm Công đoàn”, “Quỹ đồng đội”...

Theo ông Võ Viết Khương, phong trào Toàn dân BVANTQ ở huyện Krông Pak đã khơi dậy được sức mạnh của toàn dân và cả hệ thống chính trị, tạo thế trận an ninh liên hoàn, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của nhân dân trong huyện góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội của địa phương…

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.