Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý vi phạm hành chính
Về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính: còn có những mâu thuẫn, chồng chéo như cùng một hành vi vi phạm mà hành vi này xảy ra tại nhiều thời điểm khác nhau nhưng chưa bị phát hiện, khi phát hiện ra hành vi vi phạm thì sẽ xử phạt 1 lần và áp dụng tình tiết tăng nặng (Điểm b, Khoản 1, Điều 10) hay xử phạt hành vi vi phạm theo từng thời điểm xảy ra hành vi vi phạm (Điểm d, Khoản 1, Điều 3). Do đó, dẫn đến việc các cơ quan thẩm quyền lúng túng bởi quy định này không rõ nếu vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử lý như thế nào, có thể hiểu vi phạm hành chính nhiều lần cũng giống như thực hiện nhiều hành vi vi phạm được không?
Quy định của Luật XLVPHC và các văn bản chuyên ngành cũng còn nhiều bất cập, cần được khắc phục. Cụ thể như: tình tiết tăng nặng chưa có hướng dẫn thế nào là quy mô lớn (Khoản 1, Điều 10); chưa có quy định, hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện việc bổ sung, hủy bỏ, ban hành quyết định mới như thế nào (Khoản 3 Điều 18); Luật đã cho phép gia hạn 30 ngày đối với vụ việc phức tạp, tuy nhiên lại chưa có quy định thế nào là phức tạp để có thể kéo dài thời gian; quy định thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hành chính (Điều 66) nhưng 7 ngày trong tuần thực chất chỉ có 5 ngày làm việc và 2 ngày nghỉ, với thời hạn này nếu trùng vào ngày nghỉ thì việc cơ quan chuyên môn hoàn chỉnh hồ sơ xử phạt tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện để ra quyết định xử phạt sẽ gặp khó khăn, không bảo đảm thời gian.
Về thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng gặp nhiều khó khăn, chưa triệt để, còn một số lượng không nhỏ quyết định chưa được chấp hành do: Đối tượng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên còn chậm trong việc thực hiện quyết định. Một số đối tượng không tự giác chấp hành quyết định xử phạt, không có việc làm ổn định, bỏ địa phương đi làm ăn xa, không có tài sản để thực hiện cưỡng chế. Công tác cưỡng chế tài sản còn phức tạp, khó thực hiện trong khi số tiền cưỡng chế không lớn nên một số trường hợp đã hết thời hạn chấp hành quyết định. Một số trường hợp vi phạm không bị tạm giữ phương tiện, giấy tờ… nên không ít các đối tượng không chấp hành quyết định xử phạt.
Quy định về việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác (Điều 122). Tuy nhiên, trong thực tế nhiều trường hợp đối tượng có hành vi vi phạm khác nhau như trộm cắp tài sản, dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản người khác, cơ quan Công an cần thời gian để xác minh làm rõ hành vi, hậu quả thiệt hại, đặc biệt xác minh về các yếu tố nhân thân của đối tượng vi phạm để xử lý theo đúng pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm (đối với những tội có quy định đã bị xử phạt hành chính về các hành vi trên) nhưng đối tượng lại không có nơi cư trú ổn định, nếu không tạm giữ hành chính để xác minh thì đối tượng bỏ trốn, gây khó khăn trong công tác điều tra, xử lý về sau; việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của một số trường hợp còn chậm, nhất là đối với trường hợp vi phạm nhưng không bị tạm giữ tài sản có giá trị để đảm bảo việc thi hành quyết định.
Về mức phạt tiền: Theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 38 Luật XLVPHC thì “Phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 5.000.000 đồng” và tại Điểm b, Khoản 2, Điều 38 Luật XLVPHC “Phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 50.000.000 đồng ”. Tuy nhiên, Khoản 2, Điều 67 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định Chủ tịch UBND cấp xã có quyền “Phạt tiền đến 10.000.000 đồng” và Khoản 2 Điều 68 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP thì Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền “Phạt tiền đến 100.000.000 đồng”. Mâu thuẫn này gây khó khăn cho việc áp dụng, vì trên thực tế không biết nên áp dụng theo Luật hay Nghị định.
Diễm Hằng
Ý kiến bạn đọc