Multimedia Đọc Báo in

Nhức nhối tệ nạn ma túy ở huyện Ea H'leo

08:20, 09/05/2015
Huyện Ea H’leo có địa bàn rộng, nhiều rừng sâu, rẫy vắng, khu vực hẻo lánh, dân cư đông đúc và phức tạp, lại có Quốc lộ 14 đi qua nên bị bọn tội phạm ma túy triệt để lợi dụng để mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng các chất ma túy như hêrôin, ma túy đá, thuốc phiện,  trồng, sơ chế cần sa.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Ea H’leo hiện có 137 đối tượng nghiện ma túy, tăng 10 đối tượng so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lo ngại là ngoài thị trấn Ea Drăng thì ở một số xã vùng sâu, vùng xa của huyện như: Ea H’leo, Ea Hiao, Cư Amung, số con nghiện chiếm tỷ lệ khá nhiều. Cá biệt là ở xã Ea Wy, số con nghiện còn nhiều hơn thị trấn Ea Drăng đến hơn 1,5 lần. Trong số các con nghiện, có nhiều đối tượng đang ở tuổi lao động nhưng không chịu khó làm ăn mà lại đi mua bán ma túy để có tiền ăn xài, có ma túy hít, chích và hoạt động có sự câu móc với  các đối tượng ngoại tỉnh.  Để có ma túy sử dụng, một số con nghiện ma túy đã gây ra các vụ trọng án giết người, cướp tài sản gây bức xúc trong dư luận. Trung tá Phan Thanh Cường, Phó Trưởng Công an huyện Ea H’leo cho biết: “Nhiều đối tượng ma túy đã có tiền án, tiền sự, có kinh nghiệm đối phó với cơ quan điều tra, hoạt động vừa gian xảo vừa manh động, nguy hiểm. Trong khi đó, chính quyền, ban ngành, đoàn thể ở nhiều xã chưa vào cuộc mạnh mẽ, ý thức của người dân trong việc chủ động phòng chống ma túy còn yếu nên việc giải quyết nạn ma túy trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn”. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng những năm gần đây, Ea H’leo đã trở thành  địa bàn phức tạp về ma túy của tỉnh - đứng thứ hai sau TP.Buôn Ma Thuột. 

Công an huyện Ea  H’leo xử lý một số đối tượng ma túy trên địa bàn.
Công an huyện Ea H’leo xử lý một số đối tượng ma túy trên địa bàn.

Với quyết tâm và những nỗ lực cao, trong thời gian qua Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy – CA huyện Ea H’leo đã phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy – CA tỉnh và các đơn vị liên quan đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, rà soát, nắm số người nghiện, xác lập các kế hoạch, chuyên án để đấu tranh,  bắt, xử lý các nhóm, đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán, tổ chức sử dụng, trồng cây, sơ chế ma túy. Từ năm 2014 đến nay, CA huyện Ea H’leo phối hợp với các đơn vị đã triệt xóa gần 20 tụ điểm mua bán, chích, hít ma túy; bắt 24 vụ, 28 đối tượng, thu tang vật hơn 40 gram hêrôin, 636 kg cây cần sa tươi, 11,5 kg cần sa khô đã sơ chế, 1, 5 kg hạt giống cần sa, hơn 47 triệu đồng và hàng chục xe máy, điện thoại di động là các phương tiện vận chuyển, liên lạc của các đối tượng. Một trong số đó là nhóm 3 đối tượng đều ở trên địa bàn huyện Ea H’leo gồm:  Nông Thị Hoạch (43 tuổi), ở xã Ea Wy; Đồng Công Cẩn (30 tuổi) và Sầm Thị Chiêm (38 tuổi), cùng ở xã Cư Amung. Các đối tượng này vừa bị TAND huyện Ea H’leo xử phạt hơn 22 năm tù giam. Trong quý I-2015, có ngày Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy – CA huyện Ea H’leo bắt 2 vụ, 2 đối tượng là Ma Văn Thắng (39 tuổi), ở xã Ea Khal và Trần Văn Bang (33 tuổi) ở xã Ea Tir, thu tang vật nhiều gói hêrôin, gần 40 triệu đồng và một số vật chứng liên quan. Song song các biện pháp nghiệp vụ, thời gian qua, CA huyện Ea H’leo cũng đã chủ động cùng chính quyền, ban ngành, đoàn thể, CA các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền phòng ngừa, lập hồ sơ tổ chức cai cho người nghiện tại cộng đồng hoặc bắt buộc tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội của tỉnh, qua đó góp phần hạn chế, kéo giảm sự gia tăng của người nghiện ma túy, ngăn chặn tệ nạn ma túy lây lan trong cộng đồng.

Mặc dù trong thời gian qua lực lượng chức năng của huyện Ea H’leo đã có nhiều nỗ lực song vấn nạn ma túy ở huyện Ea H’leo vẫn còn dai dẳng và nhiều phức tạp. Để giải quyết căn bản tình trạng này, bên cạnh lực lượng CA, cần có sự vào cuộc thực sự và mạnh mẽ hơn nữa của chính quyền, ban ngành, đoàn thể, CA các xã, phường, ban tự quản các thôn, buôn, tổ dân phố để nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần tích cực, chủ động phòng, chống tệ nạn ma túy trong từng khu dân cư.

Nguyễn Trọng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.