Multimedia Đọc Báo in

Siết chặt hành vi cơi nới thùng xe, chở quá tải trọng

10:02, 18/05/2015

Trước tình trạng xe quá khổ, quá tải còn tương đối phổ biến, Dak Lak đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm hành vi tự ý thay đổi kích thước thùng xe và chở quá tải trọng quy định. Qua gần 1 tháng triển khai cho thấy, hầu hết phương tiện được kiểm tra đều vi phạm chở quá tải và cùng với đó là các sự việc liên quan đến hành vi cản trở người thi hành công vụ diễn biến phức tạp.

Kiểm tra ra vi phạm!

Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết số phương tiện được kiểm tra đều vi phạm cơi nới hoặc chở quá tải trọng ở mức độ lớn. Cụ thể, ngày 13-4, đoàn tiến hành kiểm tra dọc tuyến Quốc lộ 14 khoảng 10 trường hợp thì có 9 trường hợp vi phạm về cơi nới, thay đổi kích thước thùng xe, chở quá tải trọng ở mức cao từ 50-100%, một số xe vi phạm trên 100% so với thiết kế ghi trên sổ kiểm định hoặc tải trọng cho phép của cầu đường. Đáng chú ý, tình trạng xe chở vật liệu phục vụ thi công công trình vi phạm khá nhiều. Đơn cử, xe tải BKS 47P-1802 của Công ty Cổ phần Quản lý đường bộ Dak Lak; xe BKS 47P-2671 của Công TNHH xây dựng cầu đường Hoàng Nam; xe BKS 47P-2601 của Công ty TNHH xây dựng và thương mại Sài Gòn đều vi phạm chở quá tải trọng của đường trên 50-100%. Được biết, các đơn vị này đều là các nhà thầu thi công đường Hồ Chí Minh (dự án trọng điểm của Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng) đang trong giai đoạn nước rút để về đích. Mặc dù trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện kiểm soát phương tiện vi phạm kích thước thùng hàng, tải trọng xe đối với các dự án, công trình, trong đó, nhấn mạnh, riêng đối với các nhà thầu thi công công trình cần phải có trách nhiệm quản lý các phương tiện vận chuyển của mình trên công trường, phương tiện thuê bảo đảm quy định kích thước thùng hàng, tải trọng; không tiếp nhận vật tư, vật liệu của các xe  vi phạm kích thước và chở hàng quá quy định do các đơn vị cung cấp… nhưng các nhà thầu thi công công trình vẫn… phớt lờ(!). Bên cạnh các tuyến quốc lộ, tình trạng xe quá tải lưu thông trên các tỉnh lộ vẫn diễn ra hàng ngày. Theo số liệu thống kê của đoàn liên ngành, trong ngày 5-5, khi tiến hành kiểm tra tại tỉnh lộ 2 và 10 (đoạn qua địa bàn huyện Krông Ana, Cư Kuin), trong số 9 trường hợp được kiểm tra, có đến 4 trường hợp chở quá tải trọng ở mức trên 100%. như các xe mang BKS: 47K-5776; 47C-092.54; 47K-9113, các trường hợp còn lại vừa vi phạm tự ý thay đổi kích thước thùng hàng và chở quá tải trọng trên 20-60% so với tải trọng cho phép của cầu đường bộ hoặc thiết kế phương tiện.

Đoàn liên ngành kiểm tra kích thước thùng xe trên tỉnh lộ 2,  đoạn qua xã Ea Bông (huyện Krông Ana).
Đoàn liên ngành kiểm tra kích thước thùng xe trên tỉnh lộ 2, đoạn qua xã Ea Bông (huyện Krông Ana).

Chủ xe, lái xe bất hợp tác!

Trong khi tình trạng xe cơi nới thùng hàng, chở quá tải diễn ra phổ biến, ngày càng phức tạp, thì các sự việc cản trở người thi hành công vụ cũng diễn biến khó lường, điều này đã gây không ít khó khăn cho lực lượng  chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Điển hình như vào trưa 13-4, khi đoàn liên ngành phát hiện xe tải mang BKS 48L-1690 lưu thông theo hướng từ Dak Lak - Gia Lai có dấu hiệu quá tải nên đã yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, khi phát hiện lực lượng chức năng, tài xế này đã dừng xe, khóa cửa rồi rời khỏi hiện trường. Qua xác minh cho thấy, xe này sử dụng biển số giả và đã hết niên hạn sử dụng gần 1 năm và chở 15 lóng gỗ tròn, đoàn liên ngành đã lập biên bản bàn giao phương tiện và toàn bộ số gỗ trên xe cho Hạt Kiểm lâm huyện Krông Buk xử lý. Sau đó một ngày, khi đoàn liên ngành đang làm nhiệm vụ tại km 18, tỉnh lộ 2, đoạn qua địa phận buôn Ea Kruế, xã Ea Bông, huyện Krông Ana đã phát hiện xe ben chở gạch mang BKS 47K-8556 của DNTN Giang Thủy (trú tại xã Ea Bông) có dấu hiệu vi phạm tải trọng nên ra hiệu kiểm tra, nhưng bất ngờ tài xế cho xe vào cây xăng gần đó đóng chặt cửa, cố thủ và có những lời lẽ xúc phạm đoàn kiểm tra… Sau gần 6 giờ đồng hồ, nhờ lực lượng Công an huyện Krông Ana phối hợp khống chế chủ xe, đoàn liên ngành mới giải quyết xong vụ việc. Còn vào ngày 16-4, khi làm nhiệm vụ tại tỉnh lộ 13 (đoạn qua huyện M’Drak), phát hiện xe tải mang BKS 76K-4779 có dấu hiệu quá tải, đoàn yêu cầu lái xe dừng lại để kiểm tra, chủ xe đã gọi điện “huy động” khoảng 10 người, chủ yếu người đồng bào dân tộc thiểu số đến cản trở việc kiểm tra của đoàn bằng cách nằm dưới bánh xe, trên bàn cân tải trọng, buộc đoàn phải phối hợp với Công an huyện M’Drak vận động, tuyên truyền người dân giải tán, chủ xe mới chấp hành kiểm tra. Kết quả, xe tải này chở quá tải thiết kế trên 100%, với lỗi vi phạm trên, lái xe Phan Anh Khoa bị xử phạt 7,5 triệu và chủ xe Nguyễn Thị Ánh Tuyết bị phạt 17 triệu đồng theo Nghị định 107/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Công Chức, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, Phó Trưởng đoàn liên ngành khẳng định, đối với những trường hợp vi phạm, đoàn xử lý theo các quy định hiện hành, riêng hành vi chở quá tải trọng xử lý theo tinh thần của Nghị định 107, với mức phạt rất cao. Ông Chức cũng nhấn mạnh, quá trình làm nhiệm vụ của đoàn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các trường hợp lái xe, chủ xe tìm cách cản trở, không chấp hành việc kiểm tra, dẫn đến mất thời gian, điển hình như trường hợp xe Giang Thủy kéo dài từ sáng đến chiều mới giải quyết xong. Trong khi đó, đoàn lại không có thẩm quyền xử lý những hành vi cản trở, gây khó khăn cho lực lượng chức năng nên phải phối hợp với các đơn vị liên quan khác giải quyết. Thêm vào đó, nhiều lái xe, nhất là lái xe các công trình lớn như Quốc lộ 14 thường không mang theo giấy tờ liên quan mà để chủ công trình giữ hộ... nên việc xử lý vi phạm gặp nhiều trở ngại, kéo dài…

Từ ngày 13-4 đến hết tháng 4-2015, đoàn liên ngành của tỉnh đã lập biên bản xử phạt hành chính 65 trường hợp vi phạm liên quan đến hành vi thay đổi kích thước thùng xe và chở quá tải trọng quy định. Trong đó, chở hàng quá tải trọng của đường 7 trường hợp, chở quá tải trọng ghi trong giấy kiểm định 14 trường hợp, tự ý thay đổi kích thước thùng xe 10 trường hợp, hết hạn kiểm định 2 trường hợp… Kết quả, đã xử phạt trên 600 triệu đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn 19 trường hợp.

 

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.