Multimedia Đọc Báo in

Sự cần thiết phải tham gia Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình

06:12, 17/05/2015
Tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) theo hộ gia đình là quy định mới của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung được Quốc hội khóa XIII ban hành ngày 13-6-2014.
 
Theo đó, kể từ ngày 1-1-2015 trở đi, người tham gia BHYT theo hộ gia đình bắt buộc phải mua cho tất cả các thành viên trong gia đình theo đăng ký sổ hộ khẩu. So với quy định trước đây, người dân mua thẻ BHYT cho bất kỳ cá nhân nào nếu xuất trình đầy đủ giấy tờ tùy thân hợp lệ thì nay phải mua cho cả gia đình trừ những thành viên đã có thẻ BHYT theo các nhóm đối tượng khác.

Trước nhất, việc tham gia BHYT theo hộ gia đình là nhằm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho tất cả các thành viên trong gia đình, phù hợp với mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe toàn dân mà Đảng và Nhà nước ta đang hướng tới. Trong điều kiện người dân chưa có ý thức tự giác trong việc chăm sóc sức khỏe thông qua chính sách BHYT thì việc ràng buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình là giải pháp khả thi để bảo đảm phần lớn người dân được hưởng lợi từ chính sách BHYT, nhất là trong tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay. Một lợi ích nữa là tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ giảm gánh nặng tài chính cho người đóng BHYT. Theo quy định trước đây, mọi người tham gia BHYT đều đóng một mức như nhau là bằng 4,5% của mức lương cơ sở. Nhưng với quy định mới về tham gia BHYT theo hộ gia đình, chỉ người đầu tiên đóng bằng số tiền trên, mức đóng BHYT được giảm dần theo số lượng thành viên tham gia theo mức bằng 70%, 60%, 50% và 40% so với người đầu tiên; người dân được đóng BHYT 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần cho số tiền tham gia BHYT hằng năm.

Có thể nói, việc tham gia BHYT theo hộ gia đình là nhằm từng bước thực hiện mục tiêu cộng đồng cùng chia sẻ rủi ro với người bệnh, mà mức độ thấp nhất là các thành viên trong cùng gia đình chia sẻ cho nhau và mức độ cao nhất là thực hiện BHYT toàn dân. Thực tế cho thấy, lâu nay khi tham gia BHYT tự nguyện thì người dân chỉ mua thẻ BHYT cho những người có bệnh tật hoặc có nguy cơ mắc bệnh cao chứ chưa quan tâm đến việc mua BHYT cho những người mạnh khỏe trong gia đình;  rất nhiều trường hợp khi người bệnh nhập viện thì người nhà mới tức tốc đi mua thẻ BHYT, từ đó dẫn đến mất cân đối trong công tác thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Theo số liệu của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh, năm 2014 toàn tỉnh có 1.293.145 người tham gia BHYT, tổng số tiền thanh toán khám chữa bệnh là 792 tỷ đồng; trong đó đối tượng tham gia BHYT tự nguyện là 114.602 người nhưng chi phí khám chữa bệnh chiếm tới 163,6 tỷ đồng trong khi số tiền đóng BHYT chỉ có 55,6 tỷ đồng, chi phí khám chữa bệnh vượt quỹ của đối tượng này trong năm 2014 là 108 tỷ đồng.

Như vậy, việc tham gia BHYT theo hộ gia đình là cần thiết và đúng đắn. Sau 3 tháng triển khai, chủ trương này đã được người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn gặp vướng mắc ở khâu thủ tục. Thiết nghĩ, cơ quan BHXH cần tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thiểu những thủ tục không cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia BHYT; tăng cường các hình thức đại lý như thông qua hệ thống Bưu điện, ký kết hợp đồng với các đại lý ở xã, phường, thị trấn, trường học, doanh nghiệp, cơ quan BHXH… để người dân có thể tham gia BHYT ở bất kỳ nơi nào. Có như vậy thì chính sách mới đi vào cuộc sống.

Trương Văn Bá


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.