Một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 21/2013/TT-BTP của Bộ Tư pháp
Thứ nhất, về tiêu chuẩn công nhận báo cáo viên pháp luật, Thông tư 21 quy định “… cán bộ, công chức, viên chức và sĩ quan trong lực lượng vũ trang nhân dân có bằng tốt nghiệp đại học luật và thời gian công tác trong lĩnh vực pháp luật ít nhất là 2 năm; trường hợp không có bằng tốt nghiệp đại học luật, nhưng có bằng tốt nghiệp đại học khác thì phải có thời gian công tác liên quan đến pháp luật ít nhất là 3 năm”. Trên thực tế, trong quá trình thực thi công vụ về cơ bản, tất cả cán bộ, công chức, viên chức đều thuộc trường hợp có “công tác liên quan đến pháp luật”, ít nhất là liên quan đến pháp luật trong lĩnh vực chuyên ngành do mình phụ trách. Vì vậy, cần làm rõ nội hàm “thời gian công tác liên quan đến pháp luật” đối với báo cáo viên pháp luật không có bằng đại học luật cho cụ thể, rõ ràng, thuận lợi trong quá trình áp dụng thực hiện.
Thứ hai, Thông tư 21 chưa quy định, điều chỉnh đối với trường hợp là những người có uy tín, kiến thức, am hiểu pháp luật, không phải là báo cáo viên pháp luật nhưng được mời thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Do đó, cần bổ sung quy định làm cơ sở để thực hiện quản lý Nhà nước đối với trường hợp này nhằm bảo đảm họ hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật.
Thứ ba, Thông tư 21 chỉ quy định về nhiệm vụ của cơ quan (Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp) tham mưu giúp UBND cùng cấp quản lý, theo dõi báo cáo viên pháp luật (Điều 15, 16) chứ chưa có quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nơi báo cáo viên làm việc cũng như trách nhiệm của chính bản thân báo cáo viên khi có sự thay đổi công tác như: chuyển, thay đổi đơn vị công tác, bị kỷ luật và các trường hợp miễn nhiệm báo cáo viên. Chính vì vậy, cần bổ sung vào Thông tư quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nơi báo cáo viên pháp luật công tác cũng như trách nhiệm của chính bản thân báo cáo viên trong việc thông báo cho cơ quan quản lý biết khi có những thay đổi công tác làm ảnh hưởng đến hoạt động báo cáo viên pháp luật cho thống nhất.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để có quy định về chế độ phụ cấp cho báo cáo viên pháp luật (như báo cáo viên của khối Đảng) nhằm bảo đảm điều kiện về vật chất cho đội ngũ báo cáo viên trong quá trình hoạt động, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phổ biến kiến thức pháp luật, phát huy vai trò là cầu nối đưa chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đến nhân dân.
Trần Thị Bích Luy
(Sở Tư pháp)
Ý kiến bạn đọc