Multimedia Đọc Báo in

Buôn Hồ nâng cao hiệu quả của tủ sách pháp luật

08:05, 12/07/2015
Thực hiện Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25-1-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật, trong 5 năm qua, thị xã (TX) Buôn Hồ đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống tủ sách pháp luật ở cơ sở, góp phần tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, từng bước xây dựng ý thức sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật trong nhân dân.

Phường Đạt Hiếu là một địa phương luôn đi đầu trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tổ chức Ngày pháp luật, các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại thôn, buôn, tổ dân phố, xây dựng tủ sách pháp luật. Tủ sách pháp luật của phường Đạt Hiếu được đặt tại tổ một cửa do cán bộ tư pháp phụ trách với trên 200 đầu sách, phường còn bố trí một phòng đọc rộng rãi thoáng mát tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến đọc hoặc mượn sách. Ông Đỗ Viết Lâm, tổ trưởng tổ dân phố Đạt Hiếu 2 cho biết: “Từ khi có tủ sách pháp luật, tôi thường xuyên đến mượn sách về tham khảo những luật có liên quan đến công việc hằng ngày như Luật Hôn nhân gia đình, Luật Đất đai… Việc đọc sách, cập nhật kiến thức về pháp luật đã giúp tôi giải quyết được những vấn đề phát sinh tại cơ sở, đặc biệt là công tác hòa giải, một cách hiệu quả hơn”.

Người dân TX.Buôn Hồ tìm đọc sách  tại tủ sách pháp luật.
Người dân TX.Buôn Hồ tìm đọc sách tại tủ sách pháp luật.

Không chỉ phường Đạt Hiếu, hiện nay tủ sách pháp luật đã được triển khai rộng rãi đến toàn thể 12 xã phường, các đơn vị, cơ quan, trường học trên địa bàn thị xã với 22 tủ sách, trên 1.500 đầu sách. Hằng năm, ngoài việc được Phòng Tư pháp thị xã cấp phát, bổ sung các đầu sách, UBND các xã, phường đều có nguồn kinh phí để mua bổ sung sách nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin pháp luật trong cán bộ và nhân dân. Cùng với đầu tư đầu sách, các địa phương còn thường xuyên chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau nên đã thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân đến tìm đọc sách. Từ việc triển khai đồng bộ các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật đã giúp đội ngũ cán bộ, nhân dân tại địa phương  nắm bắt kịp thời các văn bản pháp luật hiện hành, vận dụng và chấp hành tốt các quy định của Đảng và Nhà nước đề ra, góp phần hạn chế vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực như: hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, giao thông đường bộ … Các tệ nạn xã hội cũng nhờ đó mà giảm dần; thói quen tìm hiểu và chấp hành pháp luật người dân được hình thành. Ông Nguyễn Kỷ Trung, người dân thôn 2, xã Bình Thuận chia sẻ: “Tôi tuổi cao nên không biết sử dụng các thiết bị truy cập thông tin trên mạng như giới trẻ. Mỗi khi có việc cần lên UBND xã hoặc tranh thủ thời gian rảnh rỗi, tôi cũng thường mượn các loại sách về đọc, nhờ đó mà tôi có kiến thức về một số luật liên quan đến cuộc sống hằng ngày để giáo dục cho con cháu trong nhà cùng thực hiện và chấp hành tốt luật pháp của Nhà nước”.

Mặc dù việc duy trì tủ sách pháp luật có lợi ích rất lớn trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn song các địa phương vẫn còn chưa chú trọng đầu tư cho tủ sách, lượng người đọc cũng chưa nhiều như mong muốn. Theo khảo sát trong 5 năm qua, ngoài kinh phí thị xã hỗ trợ gần 97 triệu đồng thì các địa phương chỉ đầu tư 7,7 triệu đồng để xây dựng tủ sách pháp luật và chỉ có khoảng 642 lượt người/năm đến đọc hoặc mượn sách tại các xã, phường. Chị Nguyễn Thị Hiếu, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch phường Đạt Hiếu cho hay: “Đa số các tủ sách pháp luật được đặt tại tổ một cửa, chưa bố trí được phòng đọc riêng nên một số người dân còn ngại khi đến để mượn hoặc đọc sách. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ, chưa mặn mà gì đối với việc tìm hiểu các loại sách về pháp luật”. Còn anh Cao Văn Sang, cán bộ Tư pháp phường Đoàn Kết cho hay: “Việc sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản pháp luật ngày một nhiều mà ngân sách địa phương hạn chế nên việc trang bị mới các đầu sách chậm, ảnh hưởng đến việc tìm hiểu, nghiên cứu của độc giả. Cán bộ phụ trách tủ sách pháp luật lại phải kiêm nhiều việc, không được hưởng phụ cấp cũng là một trong những lý do khiến cho tủ sách pháp luật vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong muốn”.

Ông Nguyễn Văn Huynh, Trưởng Phòng Tư pháp TX. Buôn Hồ nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để tạo thói quen tìm hiểu pháp luật trong nhân dân thông qua nhiều hình thức như: lồng ghép vào các buổi họp dân; các tổ chức hội đoàn thể ở các buổi sinh hoạt có thể phổ biến những điều luật liên quan..., đồng thời kiến nghị với địa phương bố trí nguồn ngân sách đầu tư cho tủ sách ngày càng phong phú. Có như vậy, tủ sách pháp luật mới thực sự phát huy hiệu quả tích cực trong việc tuyên truyền pháp luật đến các tầng lớp nhân dân”.

 Ninh Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.