Multimedia Đọc Báo in

Cần mời chuyên gia, học giả có uy tín phản biện các văn bản pháp luật trước khi ban hành

08:39, 18/07/2015
Mới đây, trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) được Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, Điều 60 của Luật quy định hạn chế tối đa việc người lao động được hưởng BHXH một lần.
 
Quy định này khiến người lao động một số nơi đã có phản ứng gây gắt, tiêu cực vì cho rằng ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của họ. Sau khi xem xét, Quốc hội đã đồng ý ban hành Nghị quyết theo hướng người lao động được hưởng BHXH một lần sau một năm nghỉ việc như Điều 55 Luật BHXH năm 2006 hoặc được bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật BHXH năm 2014. Trường hợp trên đây là một điển hình về việc ban hành pháp luật không lấy ý kiến từ cơ sở, không xuất phát từ thực tiễn cuộc sống nên thiếu tính khả thi, xa rời thực tế, gây bức xúc, bất bình trong nhân dân.

Liên quan đến hoạt động phản biện, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16-4-2012 về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội… Tuy nhiên, hoạt động phản biện vẫn chưa được coi trọng đúng mức, các ý kiến phản biện chưa được cơ quan chức năng tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc, có trách nhiệm; đặc biệt chúng ta chưa xây dựng được cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến phản biện của người dân, chuyên gia một cách chặt chẽ, khoa học, hiệu quả.

Việc lấy ý kiến phản biện của các tổ chức xã hội, người dân, nhất là các chuyên gia đầu ngành, học giả uyên bác, có uy tín đối với các văn bản pháp luật là rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay, bởi các lý do sau: tiếng nói phản biện là nhìn sự việc, vấn đề dưới nhiều góc cạnh khác nhau, tìm ưu điểm và khuyết điểm, thường chỉ ra những sai sót, khiếm khuyết của các văn bản này khi áp dụng vào thực tiễn. Việc mời các chuyên gia độc lập, không phụ thuộc vào hệ thống quản lý nhà nước nêu ý kiến phản biện sẽ bảo đảm việc ban hành các chính sách, pháp luật khách quan, công bằng, sát thực tế cuộc sống hơn. Hơn nữa, cái vướng, cái khó mà các nhà lập pháp mắc phải, đó là họ cho rằng sự am hiểu pháp luật của chính họ còn hạn chế hoặc họ muốn một người có uy tín, am hiểu pháp luật đứng ra nêu ý kiến để bảo đảm công bằng, khách quan. Các quan hệ xã hội luôn thay đổi, phức tạp, phong phú, sống động, do đó các quy định pháp luật cũng phải thay đổi theo chiều hướng linh hoạt, nhìn nhận đa chiều hơn; nếu không có sự nghiên cứu sâu rộng, có trình độ pháp luật uyên bác và nhìn nhận nghiêm túc vấn đề đối chiếu, vận dụng vào thực tiễn cuộc sống thì rất dễ lệch lạc, xa rời thực tế, khó áp dụng vào thực tiễn. Bên cạnh đó, quần chúng nhân dân luôn chịu sự tác động mạnh mẽ, trực tiếp các chính sách, quy định pháp luật. Vì vậy, họ cần phải có ý kiến tham gia việc ban hành pháp luật, đặc biệt là các quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của họ. Ở nước ta, do điều kiện lịch sử, dân trí, hiểu biết pháp luật, sự quan tâm đến việc xây dựng pháp luật... có thể nhiều người dân chưa nắm bắt, hiểu hết nội dung các dự thảo chính sách, quy định pháp luật nên việc mời chuyên gia hàng đầu, có uy tín chuyên nghiên cứu sâu về những ngành, lĩnh vực có liên quan để lên tiếng phản biện nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản pháp luật lại càng quan trọng, cần thiết.

Có thể nói, bất cứ nước nào, kể cả các nước phát triển có hệ thống pháp luật khá hoàn thiện, ổn định, cũng phải thường xuyên bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình. Trong khi đó, nước ta hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, quy định về trưng cầu ý dân theo Hiến pháp năm 2013 và quy định về giám sát và phản biện xã hội chưa phát huy hiệu quả, chưa thật sự đi vào cuộc sống thì các cơ quan chức năng, nhất là Quốc hội, Chính phủ khi ban hành các quy định pháp luật cần tranh thủ, tiếp thu ý kiến phản biện của các chuyên gia, học giả có uy tín. Có như vậy, các chính sách, quy định pháp luật mới thật sự đi vào thực tiễn cuộc sống và phát huy vai trò, ý nghĩa tích cực của nó trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người dân cũng như góp phần hoàn thiện thể chế, thúc đẩy sự phát triển đi lên của đất nước.

Vĩnh Linh


Ý kiến bạn đọc