Multimedia Đọc Báo in

Cần quy định chặt chẽ trách nhiệm phải tiếp công dân của người đứng đầu

08:11, 12/07/2015
Công tác tiếp công dân có vai trò cực kỳ quan trọng, là dịp để những người có thẩm quyền, đại diện cơ quan chức năng gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với người dân nắm bắt, xử lý, giải quyết triệt để những kiến nghị, bức xúc của người dân nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ.
 
Đồng thời, thông qua việc tiếp công dân, người có thẩm quyền có thể tiếp thu ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân đối với những vấn đề xã hội còn hạn chế, tồn tại, bức xúc. Qua hoạt động này, các cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền còn trực tiếp nhận được những ý tưởng hay, giải pháp mới nhằm giúp công tác quản lý, điều hành hiệu quả hơn... Tuy nhiên, công tác tiếp công dân hiện nay chưa thật sự được coi trọng đúng mức, thường theo kiểu hô khẩu hiệu, “đầu voi, đuôi chuột” nên tình trạng người dân tụ tập để khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, kéo dài vẫn còn xảy ra phổ biến ở rất nhiều nơi.

Hiện nay, theo quy định pháp luật về tiếp công dân thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức nhà nước phải tổ chức tiếp công dân định kỳ, ít nhất 1 tháng/lần. Tuy nhiên, do chưa có quy định chặt chẽ, chế tài cụ thể nên việc tiếp công dân của người đứng đầu theo định kỳ ở một số nơi vẫn còn hình thức, qua loa, theo kiểu đối phó. Mặc dù pháp luật quy định người đứng đầu phải tiếp công dân (không phải cấp phó) bởi những hạn chế, bất cập khi cấp phó tiếp công dân nhưng rất nhiều cơ quan, đơn vị lại phân công, ủy quyền nhiệm vụ này cho cấp phó. Lý do vắng mặt của người đứng đầu rất đa dạng, phong phú như do bận họp hành, đi công tác đột xuất, ốm đau... nhưng không thể loại trừ lý do tâm lý ngại tiếp dân, né tránh tiếp công dân. Trong thực tế, rất nhiều trường hợp do bức xúc, người dân thiếu kiềm chế, bột phát những cử chỉ hành động gây khó chịu, ức chế cho người tiếp dân như lăng mạ, chửi bới nên đa số cán bộ, công chức không muốn tiếp công dân, “cực chẳng đã” mới làm nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc rất phức tạp vì lý do lịch sử để lại hay vướng quy định pháp luật nên cán bộ thường sợ đụng chạm, sợ trách nhiệm, vi phạm pháp luật nếu giải quyết vụ việc không đúng quy định pháp luật và bị truy cứu trách nhiệm. Chính điều này càng làm cho người khiếu nại, tố cáo thêm bức xúc và tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người càng kéo dài, không có hướng giải quyết triệt để.

Qua tìm hiểu lý do người khiếu nại, tố cáo thường tụ tập, khiếu nại, tố cáo đông người ở nơi công cộng, trụ sở cơ quan nhà nước, nhà riêng lãnh đạo mà không đến trụ sở tiếp công dân gặp người có thẩm quyền cho thấy: một số người dân cho rằng khi đến trụ sở tiếp công dân thường không gặp được người có thẩm quyền, có trách nhiệm để đối thoại, giải quyết mà chỉ gặp cấp phó hoặc những người không đủ thẩm quyền giải quyết vụ việc. Thường những cán bộ này chỉ tiếp thu, “hứa” sẽ giải quyết hoặc báo cáo lại cấp trên, chuyển cơ quan liên quan giải quyết… mà không có thẩm quyền giải quyết hoặc chỉ đạo giải quyết triệt để nên vụ việc lòng vòng, bế tắc và lâu dần rơi vào quên lãng! Việc người đứng đầu phân công, ủy quyền cho cấp phó quá nhiều đã khiến quy định về tiếp công dân của người đứng đầu mất đi ý nghĩa, mục đích của nó. Bởi vì, người đứng đầu khi tiếp công dân nếu thấy hợp lý, đúng quy định sẽ quyết định giải quyết theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo cấp dưới giải quyết theo thẩm quyền nên vụ việc được giải quyết triệt để, dứt điểm. Trong khi đó, nếu cấp phó tiếp dân trong nhiều trường hợp không thể quyết định được vụ việc do không có thẩm quyền, vì thế phải báo cáo người đứng đầu xin ý kiến, trao đổi, tranh luận... nên việc giải quyết không kịp thời, thậm chí bị “chìm xuồng” theo thời gian. Mặt khác, theo quy định người đứng đầu phải tiếp công dân đủ một (1) ngày nhưng thường chỉ tiếp 1 buổi, thậm chí chỉ kéo dài vài tiếng và hết... giờ, làm theo kiểu cho xong trách nhiệm.

Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền nên bổ sung quy định, theo đó trong trường hợp định kỳ tiếp công dân mà người đứng đầu vắng mặt, thì việc tiếp công dân vẫn tiến hành bình thường và do cấp phó của người đứng đầu thực hiện, nhưng người đứng đầu phải bố trí thời gian tiếp công dân vào 1 ngày khác trong kỳ tiếp công dân, nghĩa là nếu vắng mặt trong thời gian tiếp dân định kỳ thì vẫn người đứng đầu phải tiếp công dân vào một ngày khác, bảo đảm ít nhất 1 lần/tháng, không theo kiểu “qua tua” như hiện nay. Quy định như vậy nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp công dân, tránh trường hợp vì ngại tiếp công dân, ngại va chạm hoặc không sâu sát chức năng, nhiệm vụ mà né tránh, tùy tiện ủy quyền, phân công cho cấp phó gây bức xúc cho người dân.

Như vậy mới giải quyết dứt điểm, triệt để các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài gây phức tạp cho tình hình an ninh, chính trị - xã hội, vừa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người dân. Đồng thời, góp phần giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, dai dẳng khá phổ biến hiện nay.

Vĩnh Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.