Multimedia Đọc Báo in

Luật Hộ tịch năm 2014: Rút ngắn thời gian đăng ký hộ tịch của người dân

08:19, 04/07/2015

Luật Hộ tịch năm 2014 đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Luật có nhiều chế định, phân cấp và thủ tục mới về công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nhằm phục vụ tốt hơn các yêu cầu của người dân và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Phóng viên Báo Dak Lak đã phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Tư pháp BÙI HỒNG QUÝ để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những điểm mới của luật này.

- Thưa ông, Luật Hộ tịch năm 2014 được xây dựng dựa trên những cơ sở nào?

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở nước ta đã bộc lộ nhiều hạn chế, như: chất lượng, hiệu quả công tác đăng ký và quản hộ tịch chưa cao, còn nhiều sai sót; nhiều trường hợp cơ quan quản lý và đăng ký hộ tịch không nắm được đầy đủ dữ liệu hộ tịch cá nhân; phương thức đăng ký còn mang tính thủ công, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký hộ tịch còn chưa thống nhất; trình độ năng lực của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch chưa đáp ứng được yêu cầu…

Luật Hộ tịch năm 2014 được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách hành chính trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch theo hướng đơn giản, minh bạch, tạo sự kết nối với các lĩnh vực liên quan, tiết kiệm chi phí cho người dân và Nhà nước; bảo đảm phù hợp với Hiếp pháp năm 2013, với nhiều quy định đề cao quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; đồng bộ, thống nhất với các luật liên quan (như Luật Quốc tịch, Luật Nuôi con nuôi, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Căn cước công dân), cũng như định hướng sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Dân sự trong thời gian tới. Luật này được xây dựng nhằm tăng cường vai trò quản lý nhà nước về hộ tịch của UBND cấp tỉnh và cấp huyện, trên cơ sở phân cấp hợp lý thẩm quyền đăng ký hộ tịch cho cấp huyện và cấp xã…

-Bố cục cũng như những nội dung chính của Luật Hộ tịch năm 2014 được kết cấu như thế nào, thưa ông?

Luật Hộ tịch năm 2014 có 7 chương, 77 điều quy định về hộ tịch; quyền, nghĩa vụ, nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch; cơ sở dữ liệu hộ tịch và quản lý nhà nước về hộ tịch. Thẩm quyền, thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch, nuôi con nuôi được thực hiện theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam, Luật Nuôi con nuôi. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2016.

- Xin ông cho biết những điểm mới cơ bản của Luật Hộ tịch năm 2014 mà người dân cần lưu ý?

Một trong những điểm mới quan trọng nhất của Luật Hộ tịch năm 2014 là việc thay đổi về thẩm quyền đăng ký hộ tịch. Theo đó, thẩm quyền về hộ tịch của Sở Tư pháp trước đây sẽ được chuyển sang cho UBND cấp huyện, đồng thời có sự điều chỉnh lại phạm vi thẩm quyền về hộ tịch của Ủy ban nhân dân các cấp. Bên cạnh đó, thẩm quyền lãnh thổ về đăng ký hộ tịch cũng có sự thay đổi theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hơn. Rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính về hộ tịch, Luật mới ghi nhận là “đối với những việc hộ tịch mà Luật này không quy định thời hạn giải quyết thì được giải quyết ngay trong ngày”, trường hợp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo… Cấp số định danh dùng để truy nguyên cá thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác và được cấp duy nhất một lần cho một cá nhân; giảm thiểu những giấy tờ, tài liệu hành chính không cần thiết; hướng tới việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia, trong đó nguồn là Sổ hộ tịch; quy định việc miễn phí đăng ký hộ tịch cho một số đối tượng như người thuộc gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, người khuyết tật…

Hiện việc triển khai Luật đã được Chính phủ, Bộ Tư pháp và UBND tỉnh ban hành kế hoạch để thực hiện như: đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch; tuyên truyền đến người dân hiểu và thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình; trước năm 2020 sẽ xây dựng được Cơ sở dữ liệu quốc gia của tỉnh… Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch xác định rõ nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân tại vùng sâu, vùng xa thông qua hệ thống trợ giúp pháp lý tại cơ sở, hệ thống truyền thanh; thường xuyên tổ chức công tác đăng ký hộ tịch lưu động trong các khu dân cư vùng sâu, vùng xa…

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Gia (Thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.