Multimedia Đọc Báo in

Cần phân biệt giữa hòa giải ở cơ sở với hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai

08:03, 15/08/2015

Trong những năm gần đây, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ khi ngày càng có nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn được hòa giải thành, đội ngũ hòa giải viên được củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực, nghiệp vụ hòa giải.

Tuy nhiên, khi thực hiện công tác hòa giải, cần phân biệt rõ giữa hòa giải ở cơ sở với hòa giải trong giải quyết các tranh chấp đất đai, vì hai khái niệm này, mặc dù giống nhau về ý nghĩa và mục đích nhưng về bản chất, tổ chức, hoạt động và thủ tục tiến hành lại có sự khác nhau.

Điểm giống nhau giữa hòa giải ở cơ sở với hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai là cả hai loại hòa giải đều nhằm mục đích giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn giữa hai hay nhiều bên bằng việc các bên dàn xếp, thương lượng với nhau có sự tham gia của bên thứ ba (không phải bên tranh chấp). Tuy nhiên, hai khái niệm này lại khác nhau về bản chất, tổ chức, hoạt động và thủ tục tiến hành.

Về văn bản pháp lý áp dụng

Hoạt động hòa giải ở cơ sở được điều chỉnh bởi Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, như: Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27-2-2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở; Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18-11-2014 giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở…

Hoạt động hòa giải trong giải quyết các tranh chấp đất đai được điều chỉnh bởi Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, như Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai…

Về phạm vi hòa giải

Đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở: Theo Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27-2-2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở thì phạm vi của hòa giải ở cơ sở bao gồm: mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác); tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất; tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình; vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính; vi phạm pháp luật hình sự trong một số trường hợp được pháp luật quy định…

Đối với hoạt động hòa giải trong giải quyết các tranh chấp đất đai: Phạm vi hòa giải đối với hoạt động này là những tranh chấp đất đai mà các bên không tự hòa giải được.

Về bản chất

Hoạt động hòa giải ở cơ sở là phương thức tổ chức giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trên cơ sở khuyến khích, thuyết phục các bên tự nguyện thỏa thuận với nhau nhằm xóa bỏ mâu thuẫn, bất đồng, từ đó đạt được thỏa thuận phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết trong nội bộ nhân dân, tương thân tương ái, giữ gìn đạo đức, tình làng nghĩa xóm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư.

Khác với hòa giải ở cơ sở, hoạt động hòa giải trong giải quyết các tranh chấp đất đai của UBND cấp xã là một thủ tục có tính chất pháp lý bắt buộc. Đây có thể được coi như là một giai đoạn tiền tố tụng để giải quyết tranh chấp đất đai của Tòa án nhân dân hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền.

Về đối tượng thực hiện việc hòa giải

Theo Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, hoạt động hòa giải ở cơ sở được thực hiện bởi các hòa giải viên thuộc các tổ hòa giải. Tổ hòa giải là tổ chức tự quản của nhân dân được thành lập ở cơ sở (gồm thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố và cộng đồng dân cư khác) để hoạt động hòa giải. Cơ cấu tổ chức của tổ hòa giải gồm có tổ trưởng và các hòa giải viên; mỗi tổ hòa giải có từ 3 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên nữ (đối với vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì tổ hòa giải phải có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số). Hòa giải viên được bầu ra trong số những người có các tiêu chuẩn như: có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong cộng đồng dân cư; có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân, có hiểu biết pháp luật. Sau khi bầu chọn được hòa giải viên, Trưởng ban công tác Mặt trận lập danh sách đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định công nhận hòa giải viên. Tổ trưởng tổ hòa giải do hòa giải viên bầu trong số các hòa giải viên để phụ trách tổ hòa giải.

Theo Điều 88 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, hoạt động hòa giải trong giải quyết các tranh chấp đất đai do Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai thực hiện. Cơ cấu thành phần Hội đồng gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND là Chủ tịch Hội đồng; đại diện Ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn; tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, ấp đối với khu vực nông thôn; đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó; cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn. Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Về hệ quả pháp lý của việc hòa giải

Đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở: Nếu hòa giải thành, các bên có thể thỏa thuận lập văn bản hòa giải thành; nếu hòa giải không thành thì các bên có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đối với hoạt động hòa giải trong giải quyết các tranh chấp đất đai: Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản. Biên bản hòa giải phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng, các bên tranh chấp có mặt tại buổi hòa giải, các thành viên tham gia hòa giải và phải đóng dấu của UBND cấp xã; đồng thời phải được gửi ngay cho các bên tranh chấp và lưu tại UBND cấp xã.

Như vậy, có thể thấy, tuy giống nhau về mục đích và ý nghĩa nhưng hòa giải ở cơ sở và hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai là hai hoạt động hoàn toàn khác nhau về bản chất và thủ tục tiến hành. Do đó, cần căn cứ vào từng trường hợp, vụ việc cụ thể để xác định văn bản pháp lý áp dụng là Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 hay Luật Đất đai năm 2013 để giải quyết đúng quy định, tránh việc nhầm lẫn khi áp dụng tổ hòa giải để hòa giải trong tranh chấp đất đai hay áp dụng Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để hòa giải các vụ việc khác thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở.

Bùi Thị Trang


Ý kiến bạn đọc