Multimedia Đọc Báo in

Đừng đánh cược cuộc đời vào những trò đỏ đen

11:16, 25/08/2015

Lười lao động, không ít thanh niên chỉ muốn chơi mà vẫn có nhiều tiền tiêu xài nên đã lao vào vòng xoáy những trò cờ bạc, lô đề, cá độ, đá gà… để rồi đánh mất đi tương lai, sự nghiệp.

“Nướng” tiền vào vận đỏ đen

Có lần tôi được anh bạn tên T. đưa đến một điểm đá gà ở thôn Tân Hưng, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), nằm lọt thỏm giữa vườn cây trái sum suê xen lẫn những ngôi mộ. Ở đây có khoảng 15 thanh niên vây quanh 2 chú gà chọi đang chuẩn bị quyết đấu. Theo quan sát, trước khi bắt đầu trận đấu, 2 “võ sĩ” gà được đặt lên bàn cân, nếu con nào nặng hơn vài lạng sẽ phải chấp bằng cách buộc mỏ, buộc cựa trong vòng mấy phút đấu, sau đó mới mở dây buộc ra “chiến” tự do. Lúc 2 con gà chọi lao vào nhau thì các tay chơi cũng bắt đầu đặt cược. Mặc dù chỉ là điểm đấu gà nhỏ nhưng người chơi cũng không tiếc tiền ra giá độ bạc triệu. T. cho biết, địa điểm tổ chức đá gà luôn thay đổi, thường là các vườn cây, những địa bàn giáp ranh các xã trong khu vực TP. Buôn Ma Thuột, nếu đánh lớn vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng/người/lần tố, nhiều tay chơi còn kéo nhau ra các vườn, rẫy xa khu dân cư thuộc các huyện lân cận và thuê cả người canh gác, báo động. Thời gian tổ chức đá gà của các tay chơi cũng không theo quy luật nào, lúc thì buổi sáng, buổi trưa, hay chiều.

Một thanh niên ở buôn H’đất, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) cân gà chọi trước khi mang đi đấu.
Một thanh niên ở buôn H’đất, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) cân gà chọi trước khi mang đi đấu.

Đối với những tay chơi lô đề, cá độ bóng đá cũng vung tiền không kém. Vì hám lợi, nhiều người đã lao vào như thiêu thân. Thời điểm ghi số của các tay chơi đề thường tập trung vào buổi chiều trước giờ xổ số kiến thiết quay thưởng. Quan sát một điểm ghi lô đề tại đường Lê Thị Riêng thuộc phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) từ 3 - 4 giờ chiều, chúng tôi thấy có khá đông người đến ghi số. Phần lớn người đến đây là thanh thiếu niên, phụ nữ trẻ tuổi và cả các bạn sinh viên. Bà H., một người dân nơi đây cho biết, những người đến ghi lô đề thường sống, sinh hoạt trên địa bàn phường nên bà khá quen mặt. Ngày thì lê la các quán cà phê, quán nước, ngồi túm năm tụm ba rôm rả chuyện lô đề. Chiều đến là thời điểm các tay chơi đánh cược vào may rủi. Sau khi kết quả xổ số kiến thiết mở thưởng thì dù trúng hay trật lô đề họ cũng gọi nhau đi nhậu thâu đêm, đến giờ các giải đấu bóng đá nước ngoài tường thuật trực tiếp trên tivi (khoảng từ 1 - 3 giờ) là lại rủ nhau đi cá độ bóng đá…

Những hệ lụy nhãn tiền

Một người bạn là giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên kể cho tôi nghe về trường hợp đáng tiếc vừa mới xảy ra đối với sinh viên của anh. Đó là em M., sinh viên khoa Giáo dục Thể chất, quê ở huyện Krông Pắc. Trước đây M. là một sinh viên ngoan hiền, học giỏi, được bạn bè, thầy cô quý mến. M. là con trai duy nhất trong gia đình có 4 chị em nên được bố mẹ khá nuông chiều, mua sắm đầy đủ vật dụng khi trọ học như tivi, tủ lạnh, xe máy, laptop, điện thoại xịn… Khi mới lên năm 3, M. đã theo chúng bạn lao vào chơi lô đề, cá độ bóng đá bỏ bê học hành. Để có tiền chơi lô đề, M. đã phải cầm cố đồ trang sức, máy tính, xe máy và các vật dụng bố mẹ mua. Khi những tài sản không còn, bạn bè cũng đã vay mượn hết lượt, M. quay sang vay nặng lãi. Sau một thời gian, “thần tài” chẳng thấy đâu, chỉ thấy nợ nần ngày càng chồng chất. Không còn cách nào khác, M. phải cầu cứu gia đình. Thương con, bố mẹ M. bấm bụng ôm tiền lên thành phố trả số nợ mà cậu quý tử đã vay lên đến 300 triệu đồng. Những tưởng M. sẽ ân hận, chuyên tâm vào việc học, nhưng chỉ sau một tháng, M. lại tiếp tục ham chơi, bỏ bê học hành thi cử nên bị nhà trường đuổi học…

Trường hợp của anh họ tôi tên H. (SN 1975), trú tại đường Lý Tự Trọng (TP. Buôn Ma Thuột) cũng tương tự. Trước đây gia đình anh giàu có tiếng ở thành phố. Tuy nhiên, khoảng năm 2009, anh lao vào cờ bạc, cá độ bóng đá, cá độ đá gà… rồi bị cuốn hút vào vòng xoáy ma lực đó. Của cải tài sản dần bị anh giấu vợ con đưa đi cầm cố để chơi. Được thì ham, khi thua lại muốn gỡ, và rồi càng gỡ thì càng mất. Khi vợ con biết sự việc thì khối tài sản của gia đình cũng không còn nữa. Năm 2012, vợ chồng anh ly hôn, con cái cũng phải bỏ học. Tưởng anh sẽ hối hận làm lại từ đầu nhưng “ngựa quen đường cũ”, anh H. tiếp tục vay mượn tiền bạn bè để nướng vào vòng xoáy đỏ đen. Số tiền vay lên đến trên 2 tỷ đồng, không có khả năng chi trả, anh đã bỏ xứ ra đi không thấy quay về…

Hy vọng rằng, những bài học đắt giá kể trên là lời cảnh tỉnh cho những ai đã và đang vướng vào vòng lẩn quẩn đỏ - đen, để rồi đánh mất đi tương lai, sự nghiệp.

Quốc Thành


Ý kiến bạn đọc