Multimedia Đọc Báo in

Nóng nạn "cát tặc" ở vùng giáp ranh

08:49, 26/09/2015
Thời gian qua, tình trạng khai thác cát trái phép trên dòng sông Krông Nô (đoạn giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông) diễn ra khá phức tạp, gây sạt lở đất, mất an ninh trật tự, hư hỏng đường dân sinh…
Các sà lan hút cát đoạn sông giáp ranh giữa hai tỉnh.
Các sà lan hút cát đoạn sông giáp ranh giữa hai tỉnh.

Đoạn sông giáp ranh trên dài khoảng 30km thuộc địa thuộc địa giới hành chính huyện Krông Ana (Đắk Lắk) và huyện Krông Nô (Đắk Nông) thường xuyên có 9 tổ chức, cá nhân  hoạt động khai thác cát (ba đơn vị có phép và sáu không phép). Lợi dụng đây là đoạn sông chung, chia cắt giữa hai tỉnh, việc quản lý gặp nhiều khó khăn  nên các tàu hút cát có đăng ký kinh doanh hoặc không có đăng ký kinh doanh (xuất phát từ Đắk Lắk) vô tư sang hút cát. Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông, nhiều doanh nghiệp (DN) khai thác cát chỉ được cấp phép khai thác tại Đắk Lắk nhưng vẫn đưa tàu qua các xã Buôn Choah, Đắk Nang, Nâm N’Đir (Krông Nô, Đắk Nông) hút cát trái phép khiến bờ sông Krông Nô (đặc biệt tại xã Buôn Choah) bị biến dạng, thay đổi dòng chảy nghiêm trọng. Ngoài ra, những tàu hút cát còn đưa vòi hút cát vào sát bờ làm sạt lở 60ha đất sản xuất của 84 hộ dân dọc bờ sông thuộc xã Buôn Choah; có ít nhất 13 hộ dân tại xã Buôn Choah đã bán cho DN tư nhân Trung Thiện (Krông Ana) tổng diện tích khoảng 5,4ha đất sản xuất (20 đến 30 triệu đồng/sào – PV) để các chủ tàu hút đưa vòi vào sát bờ để hút cát, khiến việc sạt lở hai bên bờ sông càng nghiêm trọng thêm. Cơ quan chức năng đã nỗ lực ngăn chặn, từ năm 2010 đến tháng 7-2015, Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện, kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi khai thác cát trái phép 16 vụ, 17 đối tượng, tịch thu một xà lan hút cát, tổng số tiền xử phạt 380 triệu đồng. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng huyện Krông Nô cũng đã xử phạt bốn vụ, 4 đối tượng số tiền 96 triệu đồng. Còn Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ năm 2010 đến nay đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra và xử phạt 111,9 triệu đồng đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Thế nhưng tình trạng khai thác cát trái phép không hề thuyên giảm mà ngày càng tăng đến mức báo động.

Trước thực trạng trên, mới đây tại cuộc họp giữa UBND hai tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Y Dhăm Ênuôl cho rằng, để nạn khai thác cát trái phép ở dòng sông giáp ranh được ngăn chặn thì cần có quy chế phối hợp đồng bộ cả ba cấp từ tỉnh đến xã. Đồng thời các ngành chủ chốt như Công an, Tài nguyên vài Môi trường cũng cần có quy chế phối hợp chung để có biện pháp hỗ trợ, xử lý kịp thời. Theo đó, biện pháp căn cơ nhất là phải quản lý tàu thuyền của các đơn vị, DN để gắn lôgô, bảng biểu lên tàu. Sau đó ngành chức năng tiến tới yêu cầu các chủ thuyền học bằng lái tàu, đăng kiểm tàu khai thác cát. “Khi các tàu đã được đăng ký, gắn lôgô, bảng biểu thì sẽ không được vượt quá địa phận được giao khai thác. Nếu khai thác không đúng nơi được giao sẽ bị xử phạt ngay, tái phạm nhiều lần sẽ bị tịch thu giấy phép. Việc này cũng khiến cho các tàu khai thác cát trái phép không có cơ hội được đi lại trên sông” – ông Y Dhăm Ênuôl khẳng định.

Hai tỉnh cũng đã thống nhất về việc quy hoạch các bến cát nhằm quản lý trọng tải, thuế tài nguyên ngay tại bến. Đồng thời sẽ tiến hành cắm biển cấm khai thác ở một số khu vực dòng sông đã bị sạt lở để tránh biến đổi thêm dòng chảy. Hy vọng với những giải pháp quyết liệt của cả hai tỉnh, tình trạng khai thác cát trái phép ở đoạn sông giáp ranh trên sẽ được quản lý và đi vào quy củ.

 Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.