Nỗi lo canh trộm ngày mùa
Mùa thu hoạch cà phê đã bắt đầu. Bên cạnh niềm vui “hái quả” sau một năm chăm sóc vất vả, người nông dân còn canh cánh nỗi lo mất trộm. Vì thế, đêm ngày bà con nông dân ở huyện Cư M’gar phải thay nhau túc trực, canh giữ, không dám rời nương rẫy…
Đầu mùa thu hái trộm đã lộng hành
Tình trạng mất trộm cà phê đầu mùa ở huyện Cư M’gar đang khiến nông dân lo lắng. Amí H’Djuin (60 tuổi) trú tại buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) có 5 sào rẫy cà phê, là nguồn sống của cả gia đình. Những ngày vừa qua, do gia đình có tang ma nên không thể đi thăm rẫy ở cuối buôn, cách nhà vài cây số. Trưa ngày 27-10, gia đình bà vào rẫy kiểm tra thì phát hiện hơn 50 gốc cà phê đang chín bói đã bị kẻ xấu hái trộm, trái vung vãi khắp rẫy. Amí H’Djuyn chua xót kể: “Người ta hái trộm những cây sai trái nhất. Gia đình tôi trước giờ sống dựa vào rẫy cà phê này, khoản nợ ngân hàng dự tính thu hoạch cà phê xong sẽ trả và còn lo nhiều khoản khác…”. Tương tự, trước đó ngày 16-10, gia đình ông Aê Khanh vào trong rẫy định hái cà phê thì phát hiện 6 sào cà phê đã bị kẻ xấu hái trộm. Trình báo với công an xã, ông Aê Khanh cho hay kẻ xấu đã hái trộm hơn 50 cây cà phê. Aê Khanh bức xúc: “Gia đình tôi lái xe công nông lên rẫy định hái cà phê chín thì phát hiện bị hái trộm, thành ra là lên lượm những trái còn vương dưới đất được gần 30 kg. Từ ngày vườn bị hái trộm, nhà tôi thay nhau ngày đêm lên rẫy canh gác mong sao số còn lại không bị trộm nữa”.
Ông Aê Khanh (giữa), xã Cuôr Đăng (huyện Cư M'gar) dẫn công an xã xem nơi cà phê bị hái trộm. |
Trên địa bàn xã Cuôr Đăng còn rất nhiều hộ khác bị mất trộm cà phê nhưng chưa gia đình nào bắt được kẻ xấu. Bọn trộm thường lợi dụng những lúc gia đình chủ rẫy có việc không đi ra rẫy để hành động, chỉ cần chủ rẫy không đi thăm rẫy một ngày là coi như bị mất sạch. Thậm chí nhiều hộ có trồng xen hồ tiêu trong vườn cà phê cũng bị trộm hái tiêu non.
Những năm trước, thôn 6, xã Ea Kpam là điểm nóng nhất của huyện Cư M’gar về nạn trộm cắp cà phê. Trộm không chỉ tuốt lấy quả mà bẻ cành vác ra những nơi xa dân, vắng người rồi mới vặt lấy quả. Năm nay tình hình xem ra cũng không cải thiện hơn. Bà Nguyễn Thị Vinh (65 tuổi) bức xúc: “Cách đây vài ngày trộm đột nhập vào vườn nhà tôi hái hơn 20 cây cà phê. Mới đầu mùa cà phê chín bói đã bị trộm vậy rồi, gia đình tôi đành phải thuê người hái gấp và ngày đêm thay nhau ở vườn canh giữ”. Chị Lê Thị Quý (SN 1975), ở cùng thôn, chỉ vào đống cà xanh giữa sân buồn rầu kể: “Tôi có hơn 1 ha cà phê, hiện nay tuy mới chín hơn 60% nhưng thấy nhà hàng xóm bị trộm “hỏi thăm”, nên đành hái sớm “xanh nhà hơn già đồng vậy”.
Trắng đêm canh trộm
Tại những điểm nóng thường xảy ra nạn trộm cắp cà phê tại huyện Cư M’gar vào thời điểm này dường như ban đêm ở rẫy nhộn nhịp hơn ở nhà, bởi bà con nông dân kéo nhau ra rẫy, phối hợp với nhau cùng tuần tra, canh trộm thâu đêm. Mỗi người tự trang bị cho mình công cụ hỗ trợ như gậy gộc và một thứ không thể thiếu là đèn pin đội đầu. Có nơi bà con còn đem theo xoong, nồi, chén, bát và thức ăn để nấu nướng, ăn ở, sinh hoạt tại rẫy.
Ở buôn Ea Lang thuộc Công ty TNHH Cà phê Ea Pốk, nơi có hơn 1.000 ha cà phê của công ty hiện đã giao khoán toàn bộ cho công nhân là người dân sinh sống trên địa bàn, những ngày này bà con cũng tập trung ăn ngủ tại rẫy để canh trộm. Theo kinh nghiệm của bà con ở đây, cà phê thường mất trộm vào thời điểm chập tối từ 17-19 giờ và lúc rạng sáng từ 3-5 giờ. Vì vậy, vào những giờ đó bà con tăng cường đi tuần tra tại các lô cà phê. Trời đêm lạnh lẽo, mỗi lán được bà con đốt sẵn vài khúc gỗ lửa cháy than đỏ, sau mỗi vòng tuần tra mọi người lại ngồi xúm lại nghỉ giải lao, sưởi ấm. Thỉnh thoảng trên những đường mòn trong lô cà phê cũng được bà con đốt vài đống lửa, vừa để sưởi ấm trên đường khi tạm dừng nghỉ chân, cũng vừa để cảnh báo là có người đang trông coi trên rẫy. Ông Khúc Tài Hội, Phó Phòng bảo vệ Công ty Cà phê Ea Pốk cho biết: “Ngay từ giữa tháng 10, công ty đã hướng dẫn bà con là những công nhân nhận giao khoán cà phê đồng loạt dựng lán trại tại các lô cà phê được đảm nhiệm để gia đình thay nhau phối hợp cùng lực lượng bảo vệ của công ty tuần tra ngày đêm liên tục. Hiện nay, bà con đã làm hơn 40 lán trại rải rác ở toàn bộ diện tích cà phê của công ty. Vào mùa cà phê chín rộ, lãnh đạo công ty cũng đề xuất lực lượng công an thị trấn, dân phòng hỗ trợ thêm”.
Thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến có những vườn cà phê rộng lớn của bà con ở trong thôn và các nơi đến canh tác, bên cạnh đó lại có những lô cao su giáp ranh nên vào mùa cà phê trộm rất lộng hành. Vào mùa thu hoạch, cứ đêm đến là ông Kiều Đình Trai (65 tuổi) lại tay cầm gậy, đầu đội đèn pin soi đi tuần trên rẫy. Ông Trai tâm sự: “Hơn nửa tháng nay không có đêm nào tôi ngủ yên, hầu như thức trắng đêm đi khắp vườn cà phê canh trộm. Tôi nuôi gần chục con chó để giúp chủ trông vườn, ban đêm cứ nghe tiếng chó sủa là tôi lại dậy. Mùa thu hoạch cà phê năm ngoái trộm còn vào bắt cả chó, nghe tiếng động tôi dậy vừa mở cửa ra khỏi chòi thì chúng đánh tôi bất tỉnh. May có chòi hàng xóm đánh động, bọn chúng sợ bỏ chạy, bà con đưa tôi đi cấp cứu”.
Ông Y Rêt Niê Kdăm, Trưởng Công an xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) cho biết: “Để phòng, chống trộm cắp mùa thu hoạch cà phê năm nay tại địa phương, lực lượng công an xã cũng đã lập kế hoạch phối hợp với Ban tự quản các thôn, buôn và người dân thành lập các tổ tuần tra. Bên cạnh đó, Công an xã cũng tuyên truyền, vận động các đại lý thu mua nông sản trong xã không mua cà phê xanh non. Tuy nhiên, do hằng năm người dân khi bị mất trộm cà phê không lên Công an trình báo nên việc tìm ra đối tượng trộm cắp rất khó khăn”.
Trung Hải - Djuang Niê
Ý kiến bạn đọc