Multimedia Đọc Báo in

Sân khấu hóa khi tuyên truyền và phổ biến về pháp luật cho học sinh

09:05, 21/11/2015
Hoạt động giáo dục pháp luật của các trường phổ thông thường được tổ chức bằng các hình thức như tích hợp giáo dục qua bài học giáo dục công dân, lồng ghép vào giờ chào cờ, giờ sinh hoạt lớp, ngoại khóa… Tuy nhiên, phương pháp tuyên truyền chủ yếu vẫn theo “truyền thống” là nói chuyện chuyên đề hoặc đọc cho học sinh nghe nội dung các điều luật.

Cách làm trên dễ mang lại cảm giác nhàm chán, đơn điệu đối với học sinh. Hơn nữa, nội dung các điều luật sẽ rất khó khăn đối với học sinh khi tiếp nhận bởi lẽ, nhiều vấn đề, câu chữ khá trừu tượng, khó hiểu và khó nắm bắt. Điều đó khiến các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật của nhà trường trở nên hình thức, có phần khiên cưỡng. Nhận thức được tình trạng đó, nhiều trường THPT đã tích cực đổi mới hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng nhiều phương pháp hiệu quả và sinh động.

Một trong những phương pháp đó là sân khấu hóa nội dung tuyên truyền luật đối với học sinh. Không gian để sử dụng phương pháp này chính là sân trường, cụ thể là lễ chào cờ đầu tuần, các hoạt động ngoại khóa, các buổi sinh hoạt chi đoàn… Hoạt động sân khấu hóa được thể hiện qua một tiểu phẩm ngắn, dung lượng phù hợp với thời gian quy định, hoặc một hoạt động trình diễn mang tính thuyết minh về luật. Muốn tổ chức được, ban tuyên truyền của trường phải tích cực chuẩn bị tiểu phẩm cách đó 1-2 tuần để buổi tuyên truyền diễn ra được thành công.

Để phương pháp sân khấu hóa được sinh động và thu hút sự chú ý của đông đảo học sinh thì học sinh được lựa chọn từ các lớp sẽ là lực lượng chính tham gia thể hiện tiểu phẩm dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo phụ trách, của Đoàn trường; nội dung tuyên truyền về các điều luật sẽ được khéo léo lồng ghép vào các tình huống cụ thể vừa gần gũi, vừa dễ nắm bắt đối với học sinh. Sân khấu sôi động, phát huy tính tích cực của học sinh, nội dung các điều luật khô khan sẽ đến với học sinh một cách tự nhiên bằng tình huống của tiểu phẩm.

Để giáo dục pháp luật theo phương pháp này, các trường cần chú ý lựa chọn đề tài tiểu phẩm phù hợp với nội dung luật cần tuyên truyền, vấn đề đưa ra phải gần gũi và thiết thực với học sinh. Hơn nữa, cần quan tâm đến dung lượng thời gian của tiểu phẩm, cần kiểm tra kỹ các lời thoại trong tiểu phẩm. Trong quá trình chuẩn bị, cần tận dụng tối đa những phương tiện hiện có, đặc biệt là trang phục để tránh việc phải chi một số lượng kinh phí lớn gây tốn kém. Sau tiểu phẩm cần hỏi học sinh về những cảm nhận và nhận thức của các em sau khi xem tình huống để tạo cơ hội cho các em tự nói lên suy nghĩ của mình.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc