Multimedia Đọc Báo in

Lâm tặc tàn phá Vườn Quốc gia Yok Đôn

10:52, 04/12/2015
Trong 10 tháng năm 2015, tại Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn có khoảng 900 cây gỗ các loại bị đốn hạ, tính trung bình mỗi ngày ở VQG Yok Đôn có khoảng 3 cây gỗ quý bị  lâm tặc chặt hạ và lấy ra khỏi rừng.
 
Cũng trong thời gian này, VQG Yok Đôn đã phát hiện 470 vụ vi phạm lâm luật (chủ yếu khai thác gỗ trái phép), tịch thu gần 200m 3 gỗ, thu 560 phương tiện phá rừng các loại. Vi phạm ở VQG Yok Đôn chiếm tới 30% số vụ của tỉnh Đắk Lắk, 90% của huyện Buôn Đôn và cao nhất trong các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên của cả nước. Trong  đó, điển hình vào tháng 6-2015, Kiểm lâm Vườn phát hiện tại Tiểu khu 463 và 470 có 4 cây gỗ hương, 3 cây cẩm sừng (mỗi cây đường kính gốc từ 40 - 60 cm) bị triệt hạ, lâm tặc lấy đi những thân gỗ lớn, những phần cành ngọn ít giá trị bị bỏ lại. Ngày 5 và 6-9, tại khu vực trục vớt gỗ dọc suối Đắk Đam, kiểm lâm vườn phát hiện một số bãi gỗ nằm ở mép suối, ước tính hơn 100 m 3 nhưng chưa xác định được đưa từ đâu tới. Đêm 16-9, kiểm lâm vườn bắt tiếp 1 xe ôtô 16 chỗ chở gỗ đỗ trong sân nhà dân, chuẩn bị vận chuyển đi tiêu thụ…
Một cây gỗ quý bị “xẻ thịt” trong VQG Yok Đôn.
Một cây gỗ quý bị “xẻ thịt” trong VQG Yok Đôn.

Lý giải tình trạng này, Giám đốc VQG Yok Đôn Đỗ Quang Tùng cho hay, Vườn có diện tích lớn thứ 2 cả nước (113,8 nghìn ha), có 7 xã vùng đệm với 90 thôn, buôn, khoảng 50.000 nhân khẩu sống giáp ranh với rừng; đặc biệt, trong đó có 1 buôn với 113 hộ dân sống ở trong vùng lõi của Vườn, đời sống của bà con nhân dân ở những khu vực này còn nhiều khó khăn sống phụ thuộc chủ yếu rừng. Bên cạnh đó, với đặc trưng là hệ sinh thái chủ yếu là rừng khộp có nhiều loài gỗ, thú quý hiếm có giá trị kinh tế cao; địa hình bằng phẳng  với khoảng 300 km chiều dài tiếp giáp với các khu dân cư, đường giao thông, các khu rừng đã chuyển đổi mục đích sử dụng nên người dân có thể dễ dàng xâm nhập vào rừng. Ngoài ra, biên chế lực lượng kiểm lâm của Vườn hiện chỉ có 217 người (còn thiếu 13 người theo chuẩn bình quân 500 ha rừng/người), căn cứ với tình hình thực tế lâm tặc có thể xâm nhập từ nhiều hướng nên cần ít nhất 2 người/ 500 ha rừng mới quản lý bảo vệ tốt được.

Trong thời gian gần đây, lâm tặc ngoài việc sử dụng các phương tiện cơ giới như xe công nông, xe máy, xe đạp thồ, bọn chúng còn chuyển sang phương thức hoạt động mới, thuê người dân vào rừng gùi gỗ ra ngoài. Mỗi ngày người dân vào rừng khai thác gỗ cho lâm tặc được trả khoảng 250 nghìn/ người nên lôi kéo được nhiều người dân tham gia. Phương thức vận chuyển này giúp các đối tượng dễ dàng luồn rừng, đi được nhiều đường khác nhau, ít gây ra tiếng ồn…, khi ra được khỏi lâm phần của Vườn, chúng sẽ tập kết gỗ ở nhà dân rồi dùng tìm đường vận chuyển đi tiêu thụ. Ngoài ra khi bị phát hiện, lâm tặc sẵn sàng chống đối lại lực lượng chức năng của Vườn. Ngày 27-7, tổ tuần tra thuộc Trạm Kiểm lâm số 6 phát hiện vụ vận chuyển gỗ trong tiểu khu 471, đối tượng đã dùng dao đe dọa, chống đối quyết liệt, không cho kiểm lâm thu giữ tang vật. Chỉ đến khi có lực lượng chức năng tăng cường, tổ tuần tra mới đưa được tang vật, phương tiện và các đối tượng này về xử lý.

“Chúng tôi chỉ có thể xử lý những hành vi vi phạm lâm luật trong lâm phần của Vườn, còn khi đã ra đến các khu dân cư thì không có thẩm quyền xử lý, lúc này thẩm quyền thuộc về địa phương nên cũng khó cho Vườn”, ông Tùng chia sẻ. Ngoài những nguyên nhân khách quan dẫn đến rừng bị phá thì một phần nguyên nhân do chính sự yếu kém của lực lượng quản lý bảo vệ rừng ở đây: “Một bộ phận cán bộ, viên chức Kiểm lâm còn thụ động trong công việc, có biểu hiện chây lười, thiếu trách nhiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ, thậm chí có hiện tượng bắt tay với lâm tặc”, ông Tùng thừa nhận.

Để từng bước giảm thiểu và chặn đứng tình trạng khai thác gỗ tại Vườn, Giám đốc  Đỗ Quang Tùng cho biết, đơn vị đang tiến hành rà soát, xử lý những cán bộ có biểu hiện thoái hóa biến chất “ bắt tay” với lâm tặc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân vùng đệm về công tác quản lý, bảo vệ rừng; đề nghị với chính quyền địa phương tập trung xử lý những đầu nậu, tụ điểm tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn… Đồng thời kiến nghị với Tổng cục Lâm nghiệp cho tuyển thêm người, thành lập thêm 2 trạm ở 2 đầu đường 14C, 1 đội kiểm lâm cơ động chuyên trách việc tuyên truyền…

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.