Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Những chuyển biến tích cực sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 48

09:14, 11/12/2015

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”, TP. Buôn Ma Thuột đã thu được nhiều kết quả quan trọng, tình hình tội phạm trên địa bàn từng bước được kiềm chế, giảm dần qua từng năm.

Hằng năm, Ban Thường vụ Thành ủy đều xây dựng kế hoạch, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chuyên môn triển khai nghiêm túc công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn gắn với phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ). Nhờ đó, nhiều mô hình điểm được triển khai tại các xã, phường, mang lại hiệu quả cao như “Công tác giáo dục, phòng ngừa trẻ em làm trái pháp luật”, “Khu dân cư tự quản về an ninh trật tự”, “Nông dân với phòng, chống tội phạm”. Ngoài ra còn duy trì thường xuyên các mô hình:  “Địa bàn không tệ nạn ma túy”, “Phòng ngừa, quản lý, giáo dục và trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng”… Trong 5 năm qua, nhiều vụ án nghiêm trọng đã được Công an thành phố tập trung điều tra khám phá nhanh và đưa ra xét xử liên quan đến hành vi cướp, giết, cố ý gây thương tích, trong đó có 32 vụ trọng án giết người được làm rõ đạt tỷ lệ 100%. Bên cạnh đó, lực lượng công an đã chủ động phòng ngừa, điều tra, xử lý các vụ việc liên quan đến tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về kinh tế, môi trường, góp phần tạo môi trường lành mạnh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống tội phạm, Công an thành phố đã chủ động sắp xếp, bố trí các đội nghiệp vụ, công an phường, xã tùy vào tình hình thực tế, xây dựng lực lượng điều tra tội phạm ngày càng chuyên sâu. Qua công tác tuần tra, kiểm soát ban đêm, lực lượng công an đã phát hiện, bắt giữ 87 vụ - 161 đối tượng vi phạm pháp luật; giải tán 95 nhóm thanh niên tụ tập gây mất ANTT; ngăn chặn 8 nhóm thanh niên có dấu hiệu “bão xe”… Theo đánh giá của Thành ủy Buôn Ma Thuột, công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm của lực lượng chức năng bảo đảm đúng pháp luật, không để bỏ sót, bỏ lọt tội phạm, nhờ đó đã kìm chế được sự gia tăng của các loại tội phạm và tệ nạn nói chung, tạo sự ổn định về trật tự xã hội.

Công an TP. Buôn Ma Thuột dựng lại hiện trường truy đuổi, bắt một đối tượng cướp taxi xảy ra trên địa bàn.
Công an TP. Buôn Ma Thuột dựng lại hiện trường truy đuổi, bắt một đối tượng cướp taxi xảy ra trên địa bàn.

Đấu tranh phòng, chống tội phạm được xác định là nhiệm vụ và trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, do vậy, Thành ủy đã tăng cường công tác chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương bằng nhiều hình thức như tổ chức mít tinh, diễu hành, nói chuyện chuyên đề, mở lớp tập huấn… Kết quả nổi bật, trong 5 năm  qua, cơ quan chức năng đã tiến hành đấu tranh, gọi hỏi, vô hiệu hóa hoạt động của 81 đối tượng có liên quan đến hoạt động Fulro; đấu tranh răn đe trực diện 391 đối tượng nổi tại các địa bàn phức tạp. Bên cạnh đó, còn tổ chức gần 1.200 buổi tuyên truyền phòng, chống tội phạm ở các thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó tập trung tại các địa bàn trọng điểm như Ea Kao, Cư Êbur, Ea Tu, Khánh Xuân, Thành Công, Tân Lợi, Tân Lập, Tân Tiến. Qua đó, tiến hành làm việc với 79 đối tượng liên quan đến hoạt động tà đạo “Amí Sara”, “Thanh Hải vô thượng sư”, “Pháp luân công”, “Pháp môn diệu âm”…

Nhằm phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở địa bàn các khu dân cư, Thành ủy đã ban hành Chương trình số 09-Ctr/TU ngày 28-5-2012 để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện, góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Qua đó, hình thành 247 “nhóm nòng cốt”, thu hút 1.736 thành viên tham gia tuyên truyền cho nhân dân các khu dân cư chấp hành các quy định của pháp luật; xây dựng được các câu lạc bộ “Tự lực ước mơ xanh”, “Thanh niên thắp sáng niềm tin”… từ đó thường xuyên giáo dục cho cán bộ, hội viên ý thức được tinh thần, trách nhiệm trong tham gia phòng, chống tội phạm. Quần chúng nhân dân đã cung cấp trên 2.700 nguồn tin tố giác tội phạm, trong đó có trên 2.400 nguồn tin có giá trị đã được xử lý, đạt gần 91%, giúp lực lượng công an làm rõ nhiều vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, bắt các đối tượng truy nã lẩn trốn. Tiêu biểu có cá nhân ông Lê Công Trứ (phường Thành Nhất) đã tham gia phát hiện và bắt giữ nhiều vụ, nhiều đối tượng trộm cắp tài sản của nhân dân, bản thân ông đã được tỉnh, thành phố khen thưởng.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 48, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn thành phố chưa thực sự bền vững. Đơn cử như năm 2014 xảy ra 315 vụ tội phạm hình sự, tăng 19 vụ so với năm 2013. Một thực tế đáng lo ngại nữa là, các đối tượng phạm tội đang có xu hướng trẻ hóa, đây là một thách thức không hề nhỏ đối với cơ quan chức năng. Ông Y Thanh Hà Niê Kdăm, Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột nhận định, trong thời gian tới các tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn còn diễn biến phức tạp. Do đó, ngoài việc phát huy những kết quả đạt được, các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là lực lượng công an thành phố cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, bám sát địa bàn thôn, buôn, tổ dân phố, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện tốt hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, từng bước xây dựng TP. Buôn Ma Thuột sớm trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.