Những kết quả nổi bật trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh
UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh; khai sâu, rộng, thường xuyên nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật đến các cơ quan, đơn vị, địa phương, gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong quá trình theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Hằng năm, căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cũng như tình hình thực tế của địa phương, UBND tỉnh ban hành các kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật, triển khai nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật chung của năm và các nội dung theo dõi chuyên đề, tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn có nhiều phản ánh, kiến nghị về thi hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; các lĩnh vực mà quy định của pháp luật còn chồng chéo, bất cập trong quá trình triển khai. Cụ thể như: lĩnh vực cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp huyện, cơ quan quản lý thị trường và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan; đăng ký, quản lý hộ tịch và chứng thực thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện và UBND cấp xã; an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm rau, củ, quả và chè; công tác cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn tỉnh; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...
Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát công tác thi hành án dân sự tại huyện Krông Pắc. Ảnh: Duy Tiến |
Nhằm thực hiện có hiệu quả các nội dung trong các kế hoạch, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh; tổ chức kiểm tra, khảo sát thi hành pháp luật trong phạm vi, đối tượng được xác định hằng năm. Kết quả, đã tổ chức 2 đợt khảo sát thi hành pháp luật trong lĩnh vực cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với sự tham gia của trên 30 cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; kiểm tra thi hành pháp luật tại trên 30 cơ quan, đơn vị ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Thông qua hoạt động kiểm tra, khảo sát đã phát hiện nhiều hạn chế, bất cập trong thi hành pháp luật tại các cơ quan, đơn vị như: Đội ngũ cán bộ, công chức vừa thiếu, vừa hạn chế về năng lực; trang bị về phương tiện làm việc chưa đầy đủ (đặc biệt là ở cấp xã); công tác tuyên truyền, phổ biến chưa thực sự được chú trọng do thiếu quan tâm và thiếu kinh phí thực hiện,… Đồng thời, đã phát hiện nhiều quy định của pháp luật còn chồng chéo, không rõ ràng, thống nhất, là một trong những nguyên nhân dẫn tình trạng vi phạm pháp luật trong thực thi, làm giảm sút hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở các địa phương. Qua đó, đã kiến nghị xử lý đối với các quy định bất cập, kiến nghị các biện pháp để bảo đảm điều kiện thực thi pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng thực thi pháp luật ở địa phương.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Sở Tư pháp đã tổ chức và phối hợp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về theo dõi tình hình thi hành pháp luật cho đội ngũ công chức pháp chế thuộc các cơ quan chuyên môn của UBND các cấp; đề xuất, kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy định chi tiết theo phân cấp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh và quản lý theo lãnh thổ; tổ chức triển khai nhiệm vụ báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật đến tất cả các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện. Đến nay, công tác báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã dần đi vào nề nếp, nhiều cơ quan, địa phương đã chủ động xây dựng và gửi báo cáo theo định kỳ; chất lượng báo cáo ngày càng được nâng lên, chú trọng khâu đánh giá, phân tích tình hình thi hành pháp luật và kiến nghị việc hoàn thiện pháp luật. Qua theo dõi, đã phát hiện và kiến nghị UBND tỉnh có biện pháp chỉ đạo, xử lý những tồn tại, bất cập trong quá trình thực thi pháp luật đối với các lĩnh vực.
Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã mang lại những tác động tích cực đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành pháp luật của các cơ quan quản lý Nhà nước, góp phần nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn không ít những khó khăn, vướng mắc trong triển khai công tác này như: công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật vẫn chưa được luật hóa nên gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; cán bộ trực tiếp làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại các sở, ngành, UBND cấp huyện và cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cấp xã ở một số địa phương còn thiếu và yếu, trình độ chuyên môn hạn chế và kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ (nhất là ở cấp xã), chưa đủ sức hoàn thành nhiệm vụ công tác được giao nên trong quá trình triển khai còn nhiều lúng túng, vướng mắc...
Hoàng Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc