Multimedia Đọc Báo in

Xe khách chở hàng hóa: "Lỗ hổng" trong quản lý!

09:28, 06/01/2016

Dịch vụ vận chuyển hàng hóa trên xe khách đã mang lại khá nhiều tiện ích cho người dân, tăng thêm doanh thu cho các nhà xe. Tuy nhiên, đây cũng là dịch vụ đòi hỏi sự quản lý, kiểm soát từ cơ quan chức năng thế nhưng thời gian qua công tác này đang bị “thả nổi”.

Những chiếc xe khách “no hàng”...

Theo tìm hiểu của phóng viên, tất cả xe khách từ tuyến liên tỉnh, nội tỉnh và thậm chí cả xe buýt đều có dịch vụ vận chuyển hàng hóa cho người dân. Dịch vụ này đem lại khá nhiều lợi ích cho người dân như giá cả rẻ, không cần thủ tục rườm rà nên nhiều người lựa chọn. Điều đáng nói, vì lợi nhuận, các nhà xe không từ chối bất cứ loại hàng hóa nào, khối lượng bao nhiêu, miễn là có người gửi. Đối với thời điểm vắng khách, ngoài chất hàng hóa ở khoang chở hàng theo quy định thì một số nhà xe còn thu gọn các hàng ghế phía sau để “chất” các loại hàng hóa. Còn vào thời điểm lượng khách đi lại nhiều, các nhà xe cũng tranh thủ những chỗ “hở” dưới các chỗ ngồi để xếp hàng. Chị L. (huyện Krông Pắc), một người thường xuyên gửi hàng hóa (chủ yếu trái cây) từ Đắk Lắk về Nghệ An cho biết, mỗi lần chị gửi hàng trọng lượng ít cũng 100 kg, nhiều thì 200 kg, tùy theo thời điểm, giá vận chuyển khoảng 400 - 500 ngàn đồng/100 kg. Còn khi gửi hàng hóa với trọng lượng chỉ 10 - 20 kg thì không phải trả phí, vì chị với nhà xe là chỗ quen biết lâu năm.

Một lượng  hàng hóa lớn được các  nhà xe  cho vào khoang  hành lý  để  vận chuyển. (Ảnh chụp  tại Bến xe  TP. Buôn  Ma Thuột).
Một lượng hàng hóa lớn được các nhà xe cho vào khoang hành lý để vận chuyển. (Ảnh chụp tại Bến xe TP. Buôn Ma Thuột).

Trong một lần mục sở thị tại Bến xe TP. Buôn Ma Thuột, có rất nhiều xe khách loại 16 chỗ ngồi chạy tuyến Ea H’leo – Buôn Ma Thuột đã dẹp hết ghế ở khoang chở khách để chất đầy hàng hóa. Hay trong một đợt kiểm tra về tình trạng xe đón, trả khách không đúng nơi quy định, lực lượng liên ngành giữa Thanh tra Sở GTVT và Phòng Cảnh sát quản lý về trật tự xã hội Công an tỉnh phát hiện xe khách mang BKS 77B - 012.49, mặc dù đăng ký dịch vụ dán ngoài thành xe là xe chở khách, nhưng gần như toàn bộ khoang chở khách chất đầy khoai tây, củ từ và một số mặt hàng trái cây khác. Khi tổ liên ngành lập biên bản xử phạt, tài xế năn nỉ xin tha và viện lý do thời điểm này vắng khách nên tranh thủ chở hàng để bù chi phí nhiên liệu. Còn trên các tuyến giao thông từ tuyến huyện đến khu vực nội thành, không khó để bắt gặp hình ảnh một số xe khách dừng đón, trả khách và bốc hàng hóa với số lượng lớn, nhưng ít khi bị kiểm tra, xử lý về hành vi này.

Việc chở hàng hóa trên xe khách tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Chẳng hạn, nếu nhà xe chất quá nhiều hàng sẽ dẫn đến mất cân bằng, nguy cơ lật xe sẽ rất cao. Trường hợp khác, nhiều nhà xe chở hàng hóa có mùi nặng như sầu riêng, mít hay động vật sẽ gây ngột ngạt cho hành khách ngồi trên xe. Đặc biệt, đối với những xe chở hàng dễ cháy nổ thì nguy cơ mất an toàn của hành khách ngồi trên xe rất cao. Chưa kể, đối với hàng hóa cấm vận chuyển, nếu gặp sự kiểm tra, buộc nhà xe vừa phải sang khách dọc đường vừa làm mất thời gian đi lại, gây không ít phiền toái cho người đi xe.

Không ai kiểm soát

Nếu như việc mang hành lý xách tay hay ký gửi hàng hóa của hành khách khi đi máy bay được các hãng hàng không và đơn vị quản lý cảng kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt thì đối với xe khách hầu như không gặp trở ngại nào từ phía cơ quan chức năng. Tại điểm đ Khoản 3, Điều 23 của Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã quy định xử phạt lỗi ôtô chở hàng hóa trong khoang hành khách sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 800.000 đồng. Và Thông tư 18 /2013/TT-BGTVT cũng quy định doanh nghiệp vận tải có trách nhiệm giám sát, vận chuyển hàng cấm, súc vật, hàng dễ cháy nổ, không chở hàng trong khoang hành lý; không được chở quá tổng khối lượng cho phép của phương tiện; bến xe có trách nhiệm giám sát, ngăn chặn ngay từ bến. Tuy nhiên, tất cả các bến xe đều quên nhiệm vụ này. Ông Trần Thường, Giám đốc CTCP dịch vụ vận tải hành khách công cộng và quản lý Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk cho biết, khi xe vào bến, đơn vị quản lý chỉ kiểm tra số lượng hành khách trên xe, còn đối với hàng hóa thì từ trước đến nay chưa thực hiện được, bởi không có thiết bị để cân tải trọng xe. Trách nhiệm chính đối với tình trạng này là của lái xe và lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường. Trong khi đơn vị quản lý bến xe và cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động vận tải bằng ôtô chưa hề vào cuộc về vấn đề chất đầy hàng đối với xe khách, thì lái, phụ xe của đơn vị vận tải cũng “lơ” luôn chuyện kiểm tra hàng hóa của người gửi. Đó cũng là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng qua kiểm tra của lực lượng chức năng, phát hiện một khối lượng hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm quá hạn sử dụng, thậm chí chất dễ nổ, chất cấm như ma túy, hêrôin… Đơn cử, cuối tháng 12-2015, lực lượng chức năng đã mai phục, bắt quả tang xe khách BKS 47V-2589 của nhà xe Thái Hồng Sơn chở gần 800 kg thịt và xe khách BKS 47B-013.59 của nhà xe Hai Quyền chở hơn 1 tấn thịt thối đi tiêu thụ. Vì việc gửi hàng hóa trên xe khách thực chất chỉ là giao dịch bằng miệng, không giấy tờ, cam kết nên khi bị bắt giữ, ít tài xế khai tên tuổi, địa chỉ của người gửi. Do đó, sẽ rất khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử phạt, vì không tìm ra chủ hàng. Qua lấy lời khai ban đầu của cơ quan chức năng đối 2 trường hợp bị bắt, tài xế chỉ khai số hàng trên được nhận từ một người lạ mặt ở tỉnh Bình Định chứ không hề có chứng từ, hóa đơn xuất hàng nào.

Ông Đỗ Bình Chính, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, theo quy định tại thông tư 63/2014/TT-BGTVT thì số lượng hàng hóa được miễn cước đối với hành khách trên xe tuyến cố định là 20 kg/người. Khi xe đăng ký hoạt động tại bến thì lái và phụ xe phải chịu trách nhiệm về số hàng hóa trên xe, còn xe lưu thông trên đường thì nhiệm vụ kiểm tra thuộc về lực lượng tuần tra kiểm soát. Ông Chính cũng thừa nhận, việc siết chặt tải trọng phương tiện đã được lực lượng chức năng của tỉnh triển khai, nhưng chỉ với xe tải, còn đối với khách thì chưa tiến hành. Thời gian tới, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm phục vụ vận chuyển hành khách dịp Tết 2016, Sở sẽ có văn bản nhắc nhở, đôn đốc các đơn vị vận tải, bến xe thực hiện việc chở hàng hóa đúng quy định, không chở quá tải, nghiêm cấm chở hàng cấm, chất dễ cháy nổ…

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.