Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên
Trong thời gian qua, mặc dù đã có nhiều chương trình, kế hoạch về việc phối hợp giữa các ngành, đơn vị, địa phương trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên nhưng trên thực tế, việc phối hợp này vẫn còn mang tính hình thức và thường chỉ dừng lại ở việc phối hợp giữa lực lượng Tư pháp - Đoàn thanh niên. Công tác giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, nếu chỉ có nỗ lực của riêng ngành Tư pháp hay các tổ chức Đoàn thì không thể đáp ứng được nhu cầu. Do đó, cần phải xác định rằng, nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên không phải là nhiệm vụ của riêng ngành Tư pháp, của tổ chức Đoàn mà là nhiệm vụ của toàn thể hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Giáo dục pháp luật hiện chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Chúng ta mới đưa vào giảng dạy môn Đạo đức (ở bậc tiểu học), môn Giáo dục công dân (ở bậc Trung học) và môn Pháp luật đại cương (ở bậc đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp). Các môn học này mới chỉ dừng lại ở việc giáo dục con người, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ chứ chưa có một môn học chính thức nào về giáo dục pháp luật cho các em. Trong khi đó, độ tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường là độ tuổi dễ “uốn nắn” nhất, nếu được tiếp cận với kiến thức pháp luật ngay từ đầu, các em sẽ sớm hình thành ý thức tôn trọng pháp luật, nâng cao kỹ năng ứng xử pháp luật trong đời sống, từ đó hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, rất cần nghiên cứu để đưa môn giáo dục pháp luật trở thành một môn giáo dục độc lập và bắt buộc trong nhà trường..
Cán bộ Phòng CSGT – Công an tỉnh tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ tại buôn Ea Na, xã Ea Na, huyện Krông Ana. Ảnh: Thế Hùng |
Công tác giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên ở một số đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn mang tính hình thức, chưa thực sự tạo được chuyển biến trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của thanh thiếu niên. Ở một số đơn vị, địa phương, các cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến công tác này dẫn đến việc chỉ đạo còn thiếu sâu sát. Bên cạnh đó, đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên chưa được tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng các kỹ năng, nghiệp vụ; đội ngũ cán bộ Đoàn chưa chủ động cập nhật các tài liệu phục vụ công tác giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao. Kinh phí đầu tư cho công tác này còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Để nâng hiệu quả công tác giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, cần triển khai thường xuyên, thực chất, có kế hoạch, có mục đích, phải xác định kết quả đầu ra rõ ràng; tổ chức nhiều hơn nữa các lớp bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ giáo dục pháp luật cho cán bộ Đoàn, Hội và người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức các lớp nói chuyện, hướng dẫn thực hiện pháp luật cho thanh thiếu niên; cần bố trí thêm kinh phí để đáp ứng nhu cầu thực tế của công tác này.
Đặc biệt, công tác giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên cần tập trung vào thanh thiếu niên là người dân tộc thiểu số và đối tượng có nguy cơ phạm tội cao. Số lượng thanh thiếu niên là người dân tộc thiểu số chiếm số lượng đông đảo trên địa bàn tỉnh, vốn sống và vốn hiểu biết xã hội còn hạn chế, dễ bị lôi kéo, lợi dụng dẫn đến tình trạng không chấp hành và vi phạm pháp luật cao. Đối tượng thanh niên có nguy cơ vi phạm pháp luật cao thường là những thanh niên trình độ văn hóa còn hạn chế do bỏ học sớm; gia đình có bố mẹ ly hôn, bố mẹ phạm tội, bố mẹ kinh doanh những ngành nghề “nhạy cảm”; nạn nhân của bạo lực gia đình hoặc chứng kiến bạo lực gia đình; thanh niên không có việc làm, lao động tự do, theo mùa vụ, không có nơi cư trú ổn định… Đây là hai nhóm thanh thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật rất cao. Trong khi đó, việc giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh mới chỉ chú trọng đến đối tượng học sinh, sinh viên trong các trường học; cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị; thanh niên của các tổ chức quần chúng… chứ chưa thực sự bao quát hết các nhóm đối tượng thanh thiếu niên, đặc biệt là thanh thiếu niên thuộc hai nhóm nêu trên. Vì vậy, cần theo sát, vận động các nhóm thanh niên dân tộc thiểu số và đối tượng có nguy cơ phạm tội tham gia vào các tổ chức đoàn thể để dễ dàng quản lý, cảm hóa, giáo dục; đồng thời, xây dựng chương trình giáo dục pháp luật cụ thể, phù hợp. Nội dung tuyên truyền cần chọn lọc và tập trung vào những quy định của pháp luật có liên quan mật thiết và gần gũi với đời sống của các em, tránh tình trạng tuyên truyền, giáo dục máy móc, giáo điều hay quá “hàn lâm”, không gần gũi và phù hợp với các nhóm đối tượng này.
Bùi Thị Trang
Ý kiến bạn đọc