Chớ xem thường "giặc lửa"!
Điều đáng nói, tâm lý xem thường “giặc lửa” không chỉ ở một vài đơn vị, doanh nghiệp mà khá phổ biến. Nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh mà chưa coi trọng công tác PCCN như xây dựng đội ngũ phòng cháy chữa cháy tại đơn vị, đầu tư các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, xây dựng, diễn tập phương án phòng cháy, chữa cháy hay mua bảo hiểm cháy nổ… Do vậy, khi xảy ra sự cố cháy nổ đã gây hậu quả nghiêm trọng. Theo thống kê, năm 2015 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 55 vụ cháy, làm 2 người chết, 2 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính gần 6 tỷ đồng. Nguyên nhân là do ý thức chủ quan của người lao động, người sử dụng lao động và các hộ dân, nhất là sự cố về điện, khí hóa lỏng và vi phạm an toàn phòng cháy, chữa cháy khi sử dụng các thiết bị điện, hệ thống phòng cháy, chữa cháy không bảo đảm.
Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh kiểm tra công tác PCCN tại một doanh nghiệp chế biến gỗ. |
Để hạn chế tối đa thiệt hại do “giặc lửa” gây ra, phòng cháy phải luôn được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của các cấp lãnh đạo ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc chỉ huy, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn về công tác PCCN. Trong đó cần làm tốt phương châm 4 tại chỗ gồm: con người tại chỗ, phương tiện tại chỗ, phương án tại chỗ và chữa cháy tại chỗ. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nâng cao nhận thức về PCCN, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đồng thời thường xuyên củng cố lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ, xây dựng các phương án cụ thể về PCCN, đầu tư mua sắm trang thiết bị cần thiết. Bên cạnh đó, các ngành hữu quan đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhất là đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ cao về cháy nổ; kiên quyết xử lý nghiêm những doanh nghiệp cố tình vi phạm các quy định về PCCN. Người lao động cũng cần tự bảo vệ bằng cách chấp hành nghiêm quy định pháp luật về PCCN, tránh xảy ra tai nạn, rủi ro cho bản thân.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc