Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Ana: "Siết" tình trạng khai thác đất sét

09:29, 25/05/2016

Thời gian qua, lợi dụng việc quản lý của địa phương về hoạt động khai thác nguyên liệu sét thiếu chặt chẽ, một số cơ sở sản xuất gạch tại địa bàn huyện Krông Ana đã khai thác nguồn nguyên liệu này một cách bừa bãi, làm hoang hóa tài nguyên đất với diện tích lớn…

Ruộng biến thành…ao!

Tháng 5-2015, UBND tỉnh có Công văn số 3640/UBND-NNMT cho phép UBND huyện Krông Ana triển khai phương án cải tạo đồng ruộng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Ea Bông và thị trấn Buôn Trấp. Tỉnh yêu cầu huyện có trách nhiệm chỉ đạo các chủ lò gạch thực hiện việc đăng ký khối lượng sét thu gom để sản xuất gạch trong quá trình cải tạo đồng ruộng, trên cơ sở đó, thực hiện việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định tại Nghị định 203/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Đây được xem là chủ trương tích cực vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc sản xuất lúa vừa giúp các chủ lò gạch trên địa bàn tận thu được nguồn nguyên liệu sét. Trước đó, vào tháng 3-2015, UBND huyện cũng đã có quyết định phê duyệt phương án cải tạo đồng ruộng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Ea Bông và thị trấn Buôn Trấp. Theo khảo sát, khu vực xã Ea Bông có khoảng 113 ha đất trồng lúa 2 vụ cần phải cải tạo hạ thấp mặt bằng nhằm giữ nguồn nước, tập trung chủ yếu ở cánh đồng buôn M’Blớt 48 ha, lượng sét tận thu khoảng 1,2 triệu m3; buôn Kô 7 ha, tận thu khoảng 170.500 m3; buôn Riăng 31 ha, tận thu 770.500 m3; buôn Sah, Hma, Knul 27 ha, tận thu 670.500 m3. Còn tại thị trấn Buôn Trấp dự kiến có 114 ha cần hạ thấp mặt bằng, trong đó tại cánh đồng Quỳnh Tân 2 là 93 ha, lượng sét tận thu hơn 1,8 triệu m3; cánh đồng buôn Rung 21 ha, lượng sét tận thu 210.000 m3. Theo phương án mà xã Ea Bông và thị trấn Buôn Trấp đưa ra sẽ hạ thấp chân ruộng theo phương pháp cuốn chiếu, dứt điểm từng ha, hạ xong đến đâu, san đều trên bề mặt ruộng đến đó, bảo đảm đất trả lại có thể sản xuất lúa.

Tại cánh đồng buôn Sah (xã Ea Bông), máy móc đất ngoặm sâu hơn 3 mét.
Tại cánh đồng buôn Sah (xã Ea Bông), máy móc đất ngoặm sâu hơn 3 mét.

Tuy nhiên, đến tháng 3-2016 (gần 12 tháng sau khi có quyết định phê duyệt phương án cải tạo đồng ruộng của huyện) vẫn chưa có cơ sở sản xuất gạch nào đăng ký khối lượng sét thu gom cũng như hạ độ sâu mặt bằng ở chân ruộng. Thực tế, việc hạ độ sâu chân ruộng (nói đúng hơn là khai thác đất sét) của các chủ cơ sở sản xuất gạch từ trước đến nay  trên địa bàn huyện rất tùy tiện, có cơ sở đào khoét với độ sâu từ 3-5 mét, không trả lại mặt bằng dẫn tới những chân ruộng biến thành ao, bỏ hoang hóa trong nhiều năm, do đó, buộc địa phương phải tạm đình chỉ khai thác. Song vẫn còn một số cơ sở khai thác chui vào thời điểm buổi trưa hoặc chiều tối, gây ô nhiễm môi trường, làm hư hỏng các công trình giao thông dân sinh và nội đồng, gây bức xúc cho người dân.

Chấn chỉnh hoạt động khai thác sét

Trước thực trạng trên, tháng 3-2016, huyện Krông Ana đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra về tình hình hoạt động khai thác sét trên địa bàn huyện, và tại thời điểm kiểm tra, chỉ có 1 đơn vị đăng ký và được cấp giấy phép khai thác sét là Công ty TNHH sản xuất gạch tuynel Việt Tân tại buôn M’Blớt (trong khi tại xã Ea Bông và thị trấn Buôn Trấp có đến 62 cơ sở sản xuất gạch đang hoạt động, trong đó 29 cơ sở đủ điều kiện đăng ký khai thác sét).

Mới đây, UBND huyện Krông Ana đã có quyết định phê duyệt cấp quyền thu gom sét sau cải tạo đồng ruộng để sản xuất vật liệu xây dựng tại thị trấn Buôn Trấp và xã Ea Bông. Theo đó, dự kiến tổng số tiền cấp quyền thu gom sét (nộp ngân sách) khoảng 190 triệu đồng, với khối lượng thu gom khoảng 165.300 m3, diện tích đất được tính tiền thu gom sét 90.000 m2. Theo đó, tùy vào năng lực của mình mà các cơ sở có thể thu gom trong khoảng thời gian khác nhau. Để các chủ cơ sở sản xuất gạch thực hiện đúng quyết định này,  Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện đã có thông báo cụ thể đến từng nơi, yêu cầu thực hiện thu gom đúng vị trí, bảo đảm các thủ tục bảo vệ môi trường; thỏa thuận với chính quyền địa phương về công tác cải tạo, trả lại mặt bằng trong và sau khi thu gom sét và đóng các loại thuế theo quy định. Những diện tích đã khai thác quá sâu (từ 3-5 mét), khó hoàn trả lại mặt bằng như tại cánh đồng buôn M’Blớt, huyện giao cho xã ký hợp đồng với tư nhân chuyển sang hình thức nuôi trồng thủy sản, với diện tích hơn 5 ha, nếu mô hình này hiệu quả thì huyện sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục nhân rộng để tạo nguồn thu cho các hộ dân và không thất thoát tài nguyên đất.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Công Hạnh, Trưởng Phòng TN-MT huyện cho biết, chủ trương cấp quyền thu gom sét sau cải tạo đồng ruộng là nhằm từng bước đưa hoạt động khai thác sét vào nền nếp, cải tạo đồng ruộng giúp người dân có thêm diện tích đất canh tác lúa vụ 2. Đồng thời, hằng năm huyện sẽ tổ chức  kiểm tra định kỳ đối với hoạt động khai thác sét, sản xuất gạch trên địa bàn, bảo đảm các cơ sở khai thác đúng vị trí, độ sâu, khối lượng cho phép…

 Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.