Multimedia Đọc Báo in

Điêu đứng vì… đa cấp!

08:04, 05/06/2016

Chỉ cần đóng vào một khoản tiền góp vốn kinh doanh, không cần làm gì mà hàng tháng vẫn được hưởng mức lợi nhuận lên tới vài chục triệu đồng, được uống cà phê miễn phí tại các hệ thống quán của công ty… Bằng hình thức này, lợi dụng sự cả tin và thiếu hiểu biết, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Phúc Gia Bảo 868 (Công ty Phúc Gia Bảo) đã khiến nhiều người dân lâm vào cảnh điêu đứng vì nợ nần…

Cả nhà là nạn nhân

Ở buôn Knia 2, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, cả 3 chị em  H’Rít Byă đang khốn khổ vì chót cả tin, đi vay mượn để ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Phúc Gia Bảo. Câu chuyện bắt đầu từ một lần đi làm thuê của chồng chị ở thị xã Buôn Hồ vào tháng 11-2015. Thấy gia chủ kể chuyện về việc đóng tiền góp vốn kinh doanh với Công ty Phúc Gia Bảo và khi nhìn thấy hợp đồng ký kết ghi rõ các mức lợi nhuận rất hấp dẫn, hai vợ chồng chị đã quyết định đi vay nóng 36,6 triệu đồng với mức lãi suất cao để nuôi mộng thoát nghèo. Sau khi nộp tiền, họ được cấp một mã thẻ để uống cà phê miễn phí tại các hệ thống quán của Công ty. Một tháng sau họ được Công ty trích trả 9 triệu đồng gọi là tiền lợi nhuận. Thấy vậy, tháng 12-2015 cả chị và em của H’Rít cũng đăng ký tham gia. Riêng vợ chồng cô em gái của chị - H’Sanh đi vay góp vốn ký kết đến 2 hợp đồng với tổng số tiền 73,2 triệu đồng bởi theo tính toán cứ đà hưởng lợi nhuận như chị gái đã được nhận thì chỉ 4 tháng sau đã có thể trả hết tiền vốn. Nhưng chỉ tháng thứ nhất sau khi góp vốn họ được nhận mức lợi nhuận 9 triệu đồng, còn lại theo như giao hẹn các tháng tiếp theo, họ liên tục lên đòi thì chỉ nhận được những lời hứa. Giờ thì lợi nhuận chẳng thấy đâu, một khoản nợ không nhỏ đang đè nặng mà chẳng biết khi nào mới trả nổi khiến cuộc sống vốn đã nghèo khó của ba chị em chị H’Rít càng theo khốn khổ. Chồng mắc bệnh xương khớp, chị H’Sanh ngày ngày vào rừng hái lá giang bán, kiếm đủ 3 bữa cho gia đình 4 miệng ăn đã khó nói chi đến trả nợ. Món nợ sắp đến hạn phải trả, vợ chồng chị như đang ngồi trên đống lửa vì không có tiền thì chủ nợ có thể lấy cả đất cả nhà. Với vợ chồng chị H’Rít, giấc mộng lấy số tiền lợi nhuận từ việc góp vốn kinh doanh để đầu tư mua thêm ruộng, xe cày đã không thể trở thành hiện thực; chỉ thấy trước mắt là số nợ mà vừa rồi họ phải bán 1,5 tạ tiêu, 14 bao lúa sau cả một mùa chăm sóc cũng không đủ tiền trả.

Vợ chồng chị H'Rít, một nạn nhân của Phúc Gia Bảo.
Vợ chồng chị H'Rít, một nạn nhân của Phúc Gia Bảo.

Còn tại buôn Gram A, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ, nghe giới thiệu từ một người bạn ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, tháng 9-2015 anh Y Dân Ktla đã vay mượn để đóng số tiền 36,6 triệu đồng ký hết hợp tác kinh doanh với Phúc Gia Bảo. Một tháng sau khi góp vốn anh cũng nhận được mức chi trả lợi nhuận là 9 triệu đồng. Cả tin vì thấy việc kiếm tiền quá dễ, mỗi lần lên chi nhánh của Công ty, không phải làm gì, chỉ cần ngồi nghe tư vấn, chia sẻ, lại còn được uống cà phê miễn phí, anh đã vận động cả vợ và mẹ vợ đi vay thêm rồi đứng tên đăng ký tham gia ký 2 hợp đồng nữa với tổng số tiền 73,2 triệu đồng. Anh Y Dân cho hay, do giới thiệu được thêm 2 hợp đồng mới này, anh được thưởng thêm 4 triệu đồng. Nhưng cũng chỉ 1 tháng đầu tiên đó anh được hưởng lợi nhuận còn các tháng tiếp theo, sau nhiều lần đi lại đòi tiền anh mới nhận ra là mình đã bị lừa. Anh và một số nạn nhân khác đã làm đơn cầu cứu gửi các cơ quan chức năng. Nội dung đơn tố cáo hành vi của Công ty Phúc Gia Bảo 868 lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân.

Lôi kéo bằng chiêu bài siêu lợi nhuận

Công ty TNHH Đầu tư thương mại Phúc Gia Bảo 868 có trụ sở chính tại số 7, ngõ 44, phố Đỗ Quang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Tại Đắk Lắk, Phúc Gia Bảo hoạt động ở địa chỉ số 02 Mai Xuân Thưởng, TP. Buôn Ma Thuột dưới biển hiệu quán cà phê Nấm Linh Chi Đỏ.

Sau khi góp vốn trên 36 triệu đồng, Phúc Gia Bảo cấp cho người tham gia chiếc thẻ này để được uống cà phê miễn phí
Sau khi góp vốn trên 36 triệu đồng, Phúc Gia Bảo cấp cho người tham gia chiếc thẻ này để được uống cà phê miễn phí

Mục sở thị tại cà phê Nấm Linh Chi Đỏ, sau khi gọi nước uống, chúng tôi được nhân viên ở đây hỏi có thẻ không để được giảm hoặc miễn phí uống cà phê. Nhớ đến những chiếc thẻ mà đã được các nạn nhân cho xem, chúng tôi không khỏi xót xa khi biết rằng để có chiếc thẻ uống miễn phí ấy họ phải bỏ ra vài chục triệu đồng mà không hay biết. Thực đơn của quán này có những loại cà phê với mức giá từ 12 đến 25 nghìn đồng. Cụ thể có các loại như sau: Cà phê đen linh chi với lời quảng cáo có tác dụng chống rụng tóc, giúp giải rượu, chống say xe; cà phê sữa (latte) đẹp da, dùng cho mọi lứa tuổi; cà phê mocha (ca cao) giảm cân, thay thế cho bữa ăn; cà phê suprome hỗ trợ tiểu đường, tim mạch; hot chocolate tốt cho trẻ em và phụ nữ mang thai, giúp hâm nóng cơ thể; cà phê king chống rụng tóc, hỗ trợ sinh lý; trà linh chi chống lão hóa, giảm cân.

Nấm Linh Chi Đỏ là một trong những địa điểm chính để nhân viên của Phúc Gia Bảo tư vấn, chia sẻ và lôi kéo nhiều người tham gia góp vốn với những mục đích được đưa ra là để: xây dựng chuỗi quán cà phê, chuỗi siêu thị mini tự chọn và online, chuỗi nhà hàng, cửa hàng vật tư nông nghiệp và xây dựng các tour du lịch. Đặc biệt theo như hợp đồng hợp tác kinh doanh thì người tham gia sau khi góp vốn được tặng 3 hộp cà phê và 1 thẻ uống cà phê VIP tương đương với 200 ly cà phê được uống miễn phí tại tất cả các điểm quán của Công ty trên các tỉnh thành cả nước; được dự các buổi họp do Công ty tổ chức. Đánh vào lòng tham và ước muốn làm giàu nhanh chóng, công ty này đã đưa ra mức chi trả lợi nhuận hấp dẫn để lôi kéo nhiều người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, sau khi đăng ký tham gia góp vốn. Cụ thể: tháng thứ nhất nhận 9 triệu đồng, tháng thứ 2: 12 triệu đồng, tháng thứ 3: 16 triệu đồng, tháng thứ 4 trở đi: 22 triệu đồng. Thời hạn thanh toán là 30 ngày kể từ ngày Công ty nhận được tiền của người tham gia, kỳ thanh toán tiếp theo cũng là sau 30 ngày. Có lẽ tính toán đến đối tượng lôi kéo, mời chào tham gia, chóp bu chi nhánh của Phúc Gia Bảo ở địa chỉ số 02 Mai Xuân Thưởng cũng là người dân tộc thiểu số, với chức danh Giám đốc chi nhánh là bà H’Xuân Mlô; tổ trưởng tổ tư vấn là ông Y Lep Knul. Tuy nhiên, sau sự việc không nhận được tiền lợi nhuận theo như hợp đồng ký kết, nhiều người đã gọi điện liên lạc với hai vị lãnh đạo này nhưng các số máy đã trong tình trạng khóa.

H’Sanh, em gái chị H’Rít lo lắng với món nợ hơn 70 triệu đồng, trong khi bữa ăn hàng ngày của cả gia đình còn phải chạy vạy
H’Sanh, em gái chị H’Rít lo lắng với món nợ hơn 70 triệu đồng, trong khi bữa ăn hàng ngày của cả gia đình còn phải chạy vạy.

Theo các cơ quan chức năng, đây là một mô hình biến tướng của bán hàng đa cấp. Về bản chất hoạt động kinh doanh của Công ty Phúc Gia Bảo là huy động vốn theo phương thức đa cấp. Người muốn tham gia phải ký hợp đồng kinh doanh với Công ty và đóng theo các mức đầu tư do Công ty quy định. Sau khi trở thành nhà đầu tư của Công ty, người tham gia được nhận chiết khấu tăng theo cấp số nhân nếu giới thiệu được nhiều người cùng tham gia góp vốn; được phân chia lợi nhuận kinh doanh của Công ty. Tuy nhiên không đúng với những gì đã ký kết, hầu hết người góp vốn với Công ty chỉ được nhận 1 hoặc 2 tháng lợi nhuận – một chiêu bài để tạo niềm tin, đánh vào tham muốn làm giàu dễ dàng, nhanh chóng của người dân nhất là những người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Thực chất cái gọi là lợi nhuận mà một số người còn may mắn nhận được chính là số tiền được trích ra từ nguồn vốn họ đã đóng.  

 Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.