Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện quy định an toàn giao thông đường thủy: Vẫn còn lơ là!

09:47, 29/06/2016

Thông tư 15/2012/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định, kể từ ngày 15-7-2012, tất cả hành khách, người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao trong suốt hành trình của phương tiện. Tuy nhiên, ở  Đắk Lắk quy định này chưa được tuân thủ nghiêm túc.

Đắk Lắk có khoảng 544 km đường sông do các sông Sêrêpôk, Krông Nô, Krông Ana tạo ra, chảy qua địa phận các huyện Krông Ana, Krông Bông, Lắk, Buôn Đôn, Krông Bông, Ea Súp và TP. Buôn Ma Thuột. Toàn tỉnh hiện có khoảng 80 phương tiện thủy hoạt động, nhưng chủ yếu phục vụ khai thác cát, phục vụ khách du lịch bằng thuyền độc mộc tại huyện Buôn Đôn và một số bến đò ngang hoạt động tự phát phục vụ việc đi lại sản xuất cho người dân tại các bến đò ngang chủ yếu ở Krông Ana và Buôn Đôn.

Hàng chục du khách ngồi trên thuyền độc mộc tại điểm du lịch xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) không được chủ thuyền trang bị áo phao, trong khi gần đó có một chiếc thuyền bị chìm do chở quá đông người!
Hàng chục du khách ngồi trên thuyền độc mộc tại điểm du lịch xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) không được chủ thuyền trang bị áo phao, trong khi gần đó có một chiếc thuyền bị chìm do chở quá đông người!

Theo Thông tư số 15 đã nêu trên, chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải có trách nhiệm trang bị áo phao và bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng. Người lái có trách nhiệm từ chối chở những hành khách không mặc áo phao theo hướng dẫn; đồng thời chịu trách nhiệm liên quan đến sự cố hoặc tai nạn xảy ra trong quá trình vận tải hành khách ngang sông khi hành khách không mặc áo phao. Quy định là thế, song trên thực tế, phần lớn người dân, hành khách vẫn thờ ơ, chủ quan với việc mặc áo phao. Theo quan sát tại điểm phục vụ khách du lịch bằng thuyền độc mộc tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn nhân dịp lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2016 cho thấy, trên chiếc thuyền nhỏ bé, tròng trành, cả vài chục khách du lịch và chèo thuyền ngồi lên nhưng không một ai khoác áo phao lên người. Chị Hồng (huyện Krông Năng) cho biết, vợ chồng chị cùng 2 con trai qua sông bằng thuyền độc mộc. Đáng ngạc nhiên, khi bước lên thuyền, không thấy chiếc áo phao nào, chị hỏi chủ thuyền thì được trấn an rằng, anh chở khách bao nhiêu năm rồi, cứ yên tâm lên thuyền. Mặc dù chân bước lên thuyền, nhưng chị vẫn cảm thấy có gì đó bồn chồn, lo lắng, cả nhà chỉ có chồng biết bơi, 2 con còn nhỏ tuổi. Còn anh Thắng, một du khách đến từ huyện Krông Búk cho hay, chỉ qua một khúc sông ngắn, mặc áo phao vào vướng víu, khó chịu, lại mất thời gian(!) Thực tế, vào ngày lễ hội, lượng khách tập trung về Buôn Đôn rất đông, phần vì tâm lý chủ quan, phần vì muốn được qua sông nhanh chóng, hầu hết các du khách tỏ ra rất thờ ơ với việc mặc áo phao để bảo vệ tính mạng của mình. Còn tại huyện Krông Ana, các bến đò chủ yếu phục vụ khai thác cát và một số ít chở người dân đi sản xuất. Cũng do tâm lý chủ quan, hầu như người dân khi đi đò đều không thực hiện việc mặc áo phao, chủ đò vì thế cũng không nhắc nhở. Chỉ trừ khi có lực lượng TTKS đường thủy tiến hành kiểm tra thì mới mặc đối phó. Chị Hằng (xã Ea Na) chia sẻ, một lần qua sông chỉ mất 5 phút, mặc áo phao mất thời gian (!).

Mặc dù trong mấy năm lại đây và 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh không xảy ra TNGT đường thủy, song không vì thế mà có tâm lý chủ quan, đặc biệt, vào mùa mưa, những tai nạn bất ngờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Còn nhớ, cách đây hơn 4 năm, trên sông Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) đã xảy ra một vụ lật thuyền, khiến 6 kỹ sư của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam tử vong. Mới đây, vào đầu tháng 6, chiếc tàu chở hơn 50 hành khách du lịch bị lật úp trên sông Hàn (TP. Đà Nẵng) làm 3 người tử vong. Điều đáng nói, những người đi trên thuyền ở Đắk Nông không có ai được trang bị áo phao, còn trên tàu du lịch ở Đà Nẵng, mặc dù áo phao được trang bị, song hầu hết hành khách không mặc. Qua các vụ tai nạn thương tâm đó có thể thấy rằng ý thức chấp hành quy định pháp luật của chủ phương tiện, người dân còn thấp, xem thường tính mạng của bản thân và người khác.

Có thể khẳng định, giao thông đường thủy ở tỉnh ta không phải là phương thức vận tải chủ đạo, song để đề phòng những tai nạn bất ngờ xảy ra, cần phải có sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh. Đồng thời, cần thiết phải thống kê, rà soát các vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn cao, cắm biển cảnh báo để người dân đề phòng. Cùng với đó là xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành việc bảo đảm ATGT đường thủy, nhất là chủ các tàu thuyền chở khách.         

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.