Multimedia Đọc Báo in

Tình trạng xe quá khổ, quá tải: Vắng bóng đường dài, tung hoành đường nhánh

11:05, 28/06/2016

Với lợi thế có nhiều tuyến quốc lộ trọng điểm chạy qua như Quốc lộ 14, 26, 27 là những tuyến giao thông huyết mạch nối Tây Nguyên với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung, giao thông đi qua Đắk Lắk khá thuận tiện.

Tuy nhiên, mật độ người và phương tiện tham gia giao thông cao thường tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông tình trạng xe tải, cùng với đó xe tải hoạt động nhiều là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng. Việc đưa Trạm cân lưu động số 53 của tỉnh vào hoạt động (tháng 5-2014) theo tinh thần chỉ đạo của bộ, ngành Trung ương được xem là bước ngoặt góp phần hạn chế tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường qua địa bàn tỉnh.

Lực lượng liên ngành kiểm soát tải trọng xe trên Quốc lộ 14.
Lực lượng liên ngành kiểm soát tải trọng xe trên Quốc lộ 14.

Từ năm 2014 đến nay, thực hiện Kế hoạch phối hợp số 12593/KHPH-BGTVT-BCA, tại Đắk Lắk, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc, phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng liên quan, đặc biệt Sở GTVT và CSGT Công an tỉnh, tình trạng xe quá tải đã giảm rất nhiều so với trước. Điều này thể hiện qua kết quả kiểm soát tải trọng, số lượng xe vi phạm chỉ chiếm một phần nhỏ, đặc biệt là các xe chạy tuyến liên tỉnh. Theo thống kê, từ ngày 6-5-2014 đến hết quý I-2016, lực lượng liên ngành của Trạm cân 53 đã tiến hành kiểm tra 8.972 xe, phát hiện 801 xe vi phạm, buộc hạ tải gần 3.200 tấn hàng hóa các loại, xử phạt hành chính gần 4,6 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 504 trường hợp.

Cùng với các hoạt động ở trạm cân lưu động, lực lượng Thanh tra Sở GTVT cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và ký cam kết với các đơn vị đầu mối hàng hóa, sản xuất vật liệu xây dựng. Kết quả, đã tổ chức ký cam kết với 64 doanh nghiệp, với 170 tài xế về thực hiện quy định không xếp, chở hàng quá tải trọng, không tự ý cơi nới kích thước thành thùng của phương tiện.

Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả tại trạm cân lưu động được đặt chủ yếu trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh và tỉnh lộ 2 đoạn qua huyện Krông Ana, còn tình trạng xe chở quá tải vẫn diễn ra phổ biến trên các tuyến đường nông thôn. Thực tế, công tác kiểm soát tải trọng xe ở các tuyến đường nông thôn chưa được chú trọng, quan tâm đúng mức nên vẫn còn một bộ phận tài xế, chủ xe còn tâm lý đối phó, tìm cách né trạm cân. Ngoài công tác tuần tra trên các tuyến tỉnh lộ thuộc thẩm quyền của Thanh tra Sở GTVT, hầu hết CSGT ở các địa phương trong tỉnh không được trang bị cân xách tay nên CSGT cấp huyện chỉ dừng lại ở việc kiểm tra tải trọng qua giấy kiểm định xe, phiếu xuất hàng và các lỗi thông thường như tốc độ, lấn làn đường. Điều này dẫn tới tình trạng trong thời gian dài, xe quá tải quá khổ tung hoành trên các tuyến đường nông thôn mà không hề bị xử lý bởi lý do thiếu thiết bị, khiến hàng loạt tuyến đường “nát bươm” vì xe quá tải. Đơn cử như tại huyện Krông Pắc có tỉnh lộ 9, đường liên xã Tân Tiến – Ea Uy – Ea Yiêng, huyện Ea Súp có tuyến tỉnh lộ 1, đường liên huyện Ea Súp – Ea H’leo… Qua kết quả kiểm tra tại các tuyến tỉnh lộ, đường nông thôn cho thấy số lượng xe chở quá tải trọng cũng rất nhiều trên tổng số phương tiện được kiểm tra. Cụ thể, từ đầu năm 2014 đến hết quý I-2016, lực lượng chức năng đã kiểm tra 633 xe thì phát hiện 472 xe vi phạm về tải trọng, kích thước thành thùng xe. Mới đây khi thực hiện đợt kế hoạch cao điểm, kiểm soát, xử lý ôtô vi phạm chở quá tải trên tỉnh lộ 2 và Quốc lộ 27 sử dụng cân xách tay, trong vòng 20 ngày Thanh tra Sở GTVT đã kiểm tra 79 xe, phát hiện 60 xe vi phạm. Qua đây cho thấy, các tài xế chạy tuyến nội tỉnh, nội vùng vẫn cố tình vi phạm về tải trọng phương tiện

Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT - Trạm trưởng Trạm cân tải trọng xe số 53 cho biết, hệ thống giao thông tỉnh ta tương đối dày, nhiều đường nhánh, do vậy khi triển khai đặt trạm cân tại một số vị trí cố định, tài xế thường né trạm bằng cách chạy vào các đường nhánh, thậm chí còn cản trở, chống đối người thi hành công vụ. Cùng với đó, trong quá trình vận hành, Trạm cân 53 thỉnh thoảng bị hỏng, hoạt động không thường xuyên, làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kiểm soát tải trọng phương tiện. Do vậy, thời gian tới, để làm tốt công tác kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn tỉnh, công tác tuần tra, kiểm soát phải được duy trì thường xuyên liên tục, khép kín địa bàn, tăng cường thêm cân xách tay cho lực lượng CSGT ở các địa phương để hạn chế thấp nhất tình trạng xe quá tải lưu thông trên các đường nhánh ở khu vực nông thôn.

 Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.