Multimedia Đọc Báo in

Chủ động ngăn ngừa thảm họa cháy nổ tại các nhà cao tầng

09:30, 20/07/2016

Tiến hành khảo sát thực tế các nhà cao tầng, xây dựng phương án cứu nạn cứu hộ (CNCH) khả thi, kịp thời xử lý các tình huống khi xảy ra sự cố; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng thoát hiểm cho người dân sinh sống, kinh doanh tại các chung cư, siêu thị; sẵn sàng lực lượng, phương tiện phục vụ công tác CNCH, giảm thiểu đến mức thấp nhất  thiệt hại về người, tài sản… là những giải pháp đồng bộ, được Phòng Cảnh sát hướng dẫn chỉ đạo CNCH (Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh) xây dựng  và triển khai thực hiện nhằm chủ động ngăn ngừa thảm họa do cháy nổ tại các nhà cao tầng.

Cảnh sát PCCC thực tập phương án phòng chống cháy nổ tại Khách sạn Sài Gòn - Ban Mê.
Cảnh sát PCCC thực tập phương án phòng chống cháy nổ tại Khách sạn Sài Gòn - Ban Mê.

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột hiện có 33 tòa nhà cao tầng. Với đặc điểm vừa là nơi ở, kinh doanh, sinh hoạt nên các nhà cao tầng thường chứa một lượng lớn chất cháy cũng như đa dạng về chủng loại chất cháy. Thêm nữa, với diện tích sử dụng lớn, số lượng người đông, công năng sử dụng phức tạp, có nhiều hệ thống thiết bị kỹ thuật, bếp ăn nên tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, xảy ra cháy nổ cao. Bên cạnh đó tại các chung cư, chợ, siêu thị, tình trạng người dân lấn chiếm hành lang, cầu thang thoát nạn, vi phạm quy tắc về phòng chống cháy nổ khá phổ biến, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cũng như CNCH nếu xảy ra cháy nổ. Để chủ động ứng phó với mọi tình huống, phòng ngừa hỏa hoạn tại các nhà cao tầng, ngay sau khi được thành lập, Phòng Cảnh sát hướng dẫn chỉ đạo CNCH đã khẩn trương tiến hành khảo sát các tòa nhà, xây dựng từng phương án CNCH khả thi, phù hợp với từng công trình và tổ chức thực tập, hướng dẫn phương án phòng cháy chữa cháy cho lực lượng chữa cháy cơ sở. Đại tá Trần Kim Mai, Trưởng phòng Cảnh sát hướng dẫn chỉ đạo CNCH cho biết: đơn vị đã tiến hành khảo sát toàn diện về đặc điểm vị trí địa lý, các hướng tiếp giáp; độ cao; hệ thống giao thông trong và ngoài; nguồn nước phục vụ chữa cháy; hành lang, cầu thang, lối thoát nạn, thoát hiểm; vị trí phương tiện tham gia cứu nạn có thể tiếp cận nhanh chóng, kịp thời cũng như địa điểm phù hợp sử dụng các công cụ thoát nạn... Căn cứ vào kết quả khảo sát, đơn vị phân tích, đưa ra tình huống giả định phức tạp nhất, sát với thực tế và đề ra biện pháp kỹ, chiến thuật nhằm chủ động xử lý nhanh chóng, hiệu quả các tình huống cháy nổ xảy ra. Cùng với việc thường xuyên kiểm tra công tác chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống cháy nổ tại các nhà cao tầng thì có thể nói đây là khâu rất quan trọng, không thể bỏ qua trong công tác phòng cháy chữa cháy, bởi thông qua khảo sát, các đơn vị mới nắm chắc được sơ đồ vị trí, chủ động triển khai lực lượng tham gia chữa cháy, hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản khi xảy ra cháy nổ.

Phòng Cảnh sát hướng dẫn chỉ đạo CNCH thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ CNCH cho người dân đang sinh sống tại các nhà cao tầng về kiến thức, kỹ năng, phương pháp sử dụng những công cụ thoát hiểm khi xảy ra sự cố cháy. Theo đó trước khi tổ chức thực tập các phương án, cán bộ đơn vị trực tiếp xuống phổ biến, hướng dẫn người dân cách sử dụng các công cụ thoát hiểm, như: nệm hơi, thang dây, ống tụt, dây thả chậm, dây tự cứu… giúp người dân có thể sử dụng thành thạo, nhanh chóng thoát hiểm khi có sự cố xảy ra. Anh Trần Văn Lộc, Giám đốc Trung tâm MM Mêga chi nhánh Đắk Lắk, đơn vị vừa được Cảnh sát hướng dẫn chỉ đạo CNCH tổ chức thực tập phương án chữa cháy và CNCH khẳng định sự cần thiết phải trang bị những kỹ năng  thoát nạn cho những người sống tại các nhà cao tầng: “Nếu được hướng dẫn, sử dụng thành thạo công cụ thoát hiểm thì khi xảy ra sự cố cháy mọi người sẽ bình tĩnh, thao tác đúng quy trình, biết sử dụng các công cụ thoát nạn để tự bảo vệ bản thân, hạn chế tối đa những thiệt hại về người”.

Bên cạnh đó để chủ động ứng phó với sự cố cháy nổ, Phòng Cảnh sát hướng dẫn chỉ đạo CNCH cùng các phòng chức năng liên quan luôn duy trì, bảo đảm quân số và phương tiện chữa cháy thường trực 24/24h, sẵn sàng cơ động, xuất phát lên đường khắc phục sự cố ngay sau khi nhận tin báo. Các phương tiện, thiết bị phục vụ cứu nạn, cứu hộ, như: dụng cụ phá dỡ thô sơ, kìm banh cắt thủy lực, máy nạp khí cho mặt nạ phòng độc… được đơn vị thường xuyên kiểm tra, bảo đảm chất lượng sử dụng tốt, bố trí phù hợp theo phương tiện… để kịp thời mang đi CNCH.           

 Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.