Multimedia Đọc Báo in

Giả danh công an để lừa đảo

09:19, 17/09/2016

Thời gian qua, một số gia đình ở các huyện Krông Búk và Ea H’leo đã bị một đối tượng giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sở dĩ xảy ra tình trạng này, ngoài sự nhẹ dạ cả tin của người dân, còn có sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng địa phương…

Mất cả tình lẫn tiền vì tin công an giả

Đầu năm 2016, con gái ông Y Phim Mlô (trú tại buôn Drô 1, xã Cư Né, huyện Krông Búk) là H’Gia Li Niê quen với một thanh niên xưng tên là Trần Đinh Phúc Mlô.  Phúc tự giới thiệu mình là thượng úy công an đang công tác tại một đơn vị an ninh của Bộ Công an đóng tại Tây Nguyên, được giao phụ trách địa bàn các huyện Ea H’leo,  M’Đrắk và Cư M’gar.

Sau một thời gian quen biết và có tình cảm, H’Gia đưa Y Phúc về giới thiệu với gia đình. Y Phúc tỏ ý muốn tiến tới hôn nhân, gia đình ông Y Phim đồng ý, tổ chức lễ đính hôn và coi Phúc như con trong nhà. Y Phúc nhiều lần bảo H’Gia đưa tiền làm ăn và lo lót khắc phục hậu quả một số chuyện rủi ro. Sau đó, khi ông Y Phim muốn cho con trai là Y Kô Phi Niê đi học ở một trường của quân đội thì Y Phúc nói có quen biết và có thể “chạy” cho Y Kô Phi vào Trường Văn hóa III của Bộ Công an với giá 110 triệu đồng.

Y Niu và chiếc xe tang vật tại Công an huyện Ea H’leo.
Y Niu và chiếc xe tang vật tại Công an huyện Ea H’leo.

Ông Y Phim đã vay mượn, gom góp đưa cho Y Phúc đủ số tiền trên. Trước hôm Y Kô Phi đi học, ông Y Phim còn làm thịt một con heo khoảng 90 kg để ăn  mừng.  Đến ngày con trai “nhập học”, ông Y Phim tìm đến Trường Văn hóa III xem danh sách học sinh trúng tuyển nhưng không thấy có tên con mình. Còn Y Phúc thì trốn biệt, gọi điện thoại mãi cũng không liên lạc được.

Giao tiền và xe cho kẻ giả danh

Cũng vào đầu năm 2016, trong khi đi lấy cây rừng về làm trụ trồng hồ tiêu, anh Đặng Văn Thuân (SN 1981, trú tại thôn 5C, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo) quen biết với một đối tượng tự giới thiệu tên là Y Phúc Mlô, là “cán bộ” của một đơn vị an ninh của Bộ Công an đến địa bàn hoạt động bí mật để… bắt đối tượng bị truy nã.

Y Phúc đề nghị gia đình anh Thuân tạo điều kiện cho mình được ăn ở trong nhà với chi phí 2 triệu đồng mỗi tháng và số tiền này sẽ được… cơ quan công an chuyển khoản đến chính quyền xã. Gia đình cứ chi ra trước, sau mỗi 6 tháng thì đến UBND xã nhận tiền một lần. Hết đợt “công tác” của Y Phúc, gia đình anh Thuân sẽ được cơ quan chức năng cấp cho một giấy chứng nhận “Vì an ninh Tổ quốc” và con em trong gia đình sẽ được ưu tiên giải quyết chính sách (!?). 

Nghe Y Phúc nói hắn sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, gia đình anh Thuân thương tình đã nhận hắn làm con nuôi.  Sau vài lần được anh Thuân nhờ lái xe cày đi chở trụ tiêu, một hôm Y Phúc nói với anh Thuân rằng việc gia đình anh dùng xe cày để chở trụ tiêu đã bị Cảnh sát Kinh tế, Cảnh sát Giao thông phát hiện và nhờ có hắn mà xe và trụ tiêu không bị tịch thu. Song, để yên ổn lâu dài thì gia đình anh Thuân phải chi ra 28 triệu đồng để… lo lót. Tin lời, anh Thuân đã đưa tiền cho Y Phúc. 

Tiếp đó, Y Phúc nói với anh Thuân rằng, hắn có người anh làm ở ngân hàng, nếu gia đình có nhu cầu vay vốn nhiều để làm ăn thì đưa cho hắn 4 triệu đồng để lo thủ tục. Anh Thuân tiếp tục đưa cho hắn 4 triệu đồng.  Đến tháng 6-2016, Y Phúc mượn anh Thuân chiếc xe máy hiệu AIR BLADE mới mua hơn 40 triệu đồng để đi công tác rồi… đi luôn. Thấy Phúc không quay về, gia đình anh Thuân mới nghi ngờ báo cơ quan công an. 

Lộ mặt kẻ lừa đảo

Ngày 25-8-2016, Y Phúc bị bắt. Tên thật của hắn là Y Niu (SN 1987, trú tại buôn Ja Rá, xã Nam Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông). Năm 2009, Y Niu đã bị đi tù một năm về tội cưỡng đoạt tài sản. Sau khi ra tù một thời gian, đầu năm 2016, hắn lang thang sang tỉnh Đắk Lắk tìm đến những gia đình nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác để lừa đảo. 

Tính ra, ông Y Phim đã bị Y Phúc lừa mất trắng hơn 135 triệu đồng; anh Thuân cũng bị mất hơn 60 triệu đồng. Cho đến khi Y Niu bị bắt thì toàn bộ số tiền lừa đảo nói trên đều đã bị hắn tiêu xài hết sạch, riêng chiếc xe máy thì Công an huyện Ea H’leo đã kịp thời truy thu để xử lý.

Điều đáng nói ở đây là, mặc dù đối tượng Y Niu đi lại, ăn ở một thời gian dài trong nhà các hộ nói trên nhưng chủ nhà không khai báo tạm trú cho công an xã, thôn. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng địa phương cũng không kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý khiến đối tượng có cơ hội gây án, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân với số tiền lớn.     

Trọng Tính


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.