Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong đấu tranh phòng chống tội phạm

08:56, 21/09/2016

Thời gian qua, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp về số vụ, việc cũng như mức độ, tính chất nghiêm trọng. Trước tình hình ấy đòi hỏi công tác phối hợp liên ngành Công an - Viện KSND - TAND cần tiếp tục được củng cố, tăng cường.

Theo đánh giá của Viện KSND tỉnh, thời gian qua, công tác phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được thực hiện tốt, hạn chế đơn thư tồn đọng kéo dài, giảm tình trạng khiếu kiện gay gắt, vượt cấp… Liên ngành Công an - Viện KSND - TAND tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ và triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, yêu cầu đề ra trong các nghị quyết của Quốc hội và các văn bản của liên ngành tư pháp Trung ương; thực hiện đúng các quy định của pháp luật về tố tụng hình sự nên không để xảy ra trường hợp nào Viện Kiểm sát truy tố, Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội; không để xảy ra quá hạn thời hạn tạm giữ, tạm giam, thời hạn điều tra…

     Lãnh đạo liên ngành họp bàn và đề xuất những  giải pháp tăng cường công tác phối hợp.
Lãnh đạo liên ngành họp bàn và đề xuất những giải pháp tăng cường công tác phối hợp.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, liên ngành đã phối hợp giải quyết được 64/105 tin báo tội phạm; kết thúc điều tra 45/87 vụ, đạt 51,7%; Viện kiểm sát đã giải quyết 30/37 vụ; Toà án đã hoàn thành xét xử 23/37 vụ án hình sự sơ thẩm (đạt 62,2%), 237/299 vụ án phúc thẩm (đạt 79,3%). Liên ngành cũng đã thống nhất xác định và giải quyết được 7 vụ án trọng điểm, tổ chức 3 phiên tòa xét xử lưu động, 3 phiên tòa để rút kinh nghiệm cho Kiểm sát viên.

Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Đình Sơn, công tác phối hợp liên ngành nói chung và từng ngành nói riêng vẫn còn một số tồn tại như: sự phối hợp có lúc chưa chặt chẽ, nhịp nhàng, làm ảnh hưởng đến kết quả, tiến độ và chất lượng giải quyết một số vụ án; chất lượng, hiệu quả của công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tội phạm vẫn còn hạn chế; công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn của từng ngành và liên ngành cấp tỉnh đối với liên ngành cấp huyện có lúc, có vụ việc chưa kịp thời nên chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp của liên ngành cấp huyện trong quá trình giải quyết một số vụ việc chưa tốt…

Dẫn chứng cho những hạn chế này đại diện Viện KSND đưa ra ví dụ vụ án Nguyễn Xuân Lộc (SN 1992, trú huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) do mâu thuẫn đã dùng súng bắn anh Nguyễn Anh Kha (SN 1986, trú TP. Buôn Ma Thuột) xảy ra vào tối 20-1 ở ngã tư đường Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột). Trong vụ án này, điều tra viên của Công an tỉnh thực hiện yêu cầu điều tra của kiểm sát viên còn chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ điều tra.

 Hay như việc kiểm sát viên của Viện KSND tỉnh còn chậm trao đổi, thống nhất và đưa ra yêu cầu xác minh, giải quyết đối với những tin báo tội phạm do điều tra viên chuyển sang như tin tố cáo Giám đốc Công ty TNHH cấp thoát nước và đầu tư xây dựng Đắk Lắk có dấu hiệu tham nhũng; tin báo vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng tại Công ty TNHH Hiệp Thành Đạt…     

 Trong khi đó, ông Đỗ Anh Phương, Phó Chánh án TAND tỉnh cũng chỉ ra một số hạn chế như: việc hướng dẫn, quy định về chế độ báo cáo thống kê của ngành Kiểm sát và Tòa án chưa cụ thể, thống nhất, gây khó khăn trong quá trình báo cáo, thống kê một số tiêu chí, số liệu. Mặt khác, do thời điểm chốt số liệu thống kê công tác của ngành Kiểm sát và Tòa án cũng khác nhau nên việc tổng hợp, đối chiếu số liệu, xây dựng thống kê liên ngành gặp khó khăn và kéo dài thời gian.

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác phối hợp liên ngành, ông Trần Đình Sơn cho rằng, 3 ngành Công an - Viện KSND – Tòa án nói chung và từng ngành nói riêng cần tiếp tục quán triệt, triển khai thi hành các đạo luật về tổ chức, hoạt động của từng ngành; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và các văn bản của liên ngành tư pháp Trung ương về công tác cải cách tư pháp, công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm…

Bên cạnh đó, liên ngành cần phối hợp và có văn bản thống nhất chỉ đạo 3 ngành ở cả 2 cấp (tỉnh và huyện) trong việc tập trung điều tra, truy tố, xét xử những vụ án trọng điểm, phức tạp, các vụ án mà dư luận quan tâm… nhằm góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc