Tình trạng người tái nghiện ma túy chiếm tỷ lệ cao: Đâu là nguyên nhân?
Dù cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác tổ chức cai nghiện, quản lý người nghiện sau cai nghiện cũng như hỗ trợ đào tạo, giải quyết việc làm cho đối tượng này, nhưng do nhiều nguyên nhân công tác này hiện nay vẫn chưa đạt được những kết quả như mong đợi, dẫn đến tình trạng người nghiện tái nghiện chiếm tỷ lệ cao.
Sau 3 lần vào cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội), đến đầu năm 2016, anh B.A.T lại “trở về mái nhà xưa”, tiếp tục hành trình cai nghiện với tâm trạng hoang mang, không chắc mình có cai nghiện thành công ở lần thứ tư này. “Là người trong cuộc, hơn ai hết tôi hiểu rõ sức cám dỗ khó cưỡng lại được của ma túy. Bằng chứng là những lần trước khi cắt cơn trở về, dù đã tìm được công việc lái máy múc với mức lương cao 15 triệu đồng/tháng, song chỉ sau một lần giao lưu, gặp gỡ đám bạn cũ, tôi lại bị lôi kéo và tái nghiện”, anh T. cho biết. Còn N.T.P lại bị tái nghiện vì nguyên nhân khác: đó chính là thái độ kỳ thị, xa lánh của cộng đồng. “Biết em vừa cai nghiện ma túy ở Trung tâm ra, bạn bè, bà con lối xóm nhìn em bằng ánh mắt rất khác lạ, không ai dám trò chuyện, tiếp xúc, điều đó khiến em có cảm giác như mình bị lạc lõng, bỏ rơi. Tâm lý mặc cảm, chán nản, tuyệt vọng đã đẩy em tiếp tục lún sâu, trở thành nô lệ của ma túy”, N.T.P chua chát thổ lộ. Còn N.H.P thì lại tái nghiện bởi nguyên nhân bất mãn, không xin được việc làm dù đã được đào tạo nghề mộc cơ bản tại Trung tâm. “Sau thời gian cai nghiện ra, vất vả tới lui xin việc làm tại nhiều cơ sở mỹ nghệ song đều nhận được cái lắc đầu, thất vọng vì không có việc làm em lêu lổng khắp nơi, bị bạn bè xấu lôi kéo và tiếp tục rơi vào vòng xoáy không lối thoát của ma túy”, N.H.P giãi bày.
Học viên học nghề may tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội). |
Đây chỉ là 3 trường hợp lý giải những nguyên nhân vì sao tỷ lệ người tái nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh những năm qua luôn ở mức cao. Cùng với nguyên nhân chủ quan là do người nghiện không đủ bản lĩnh, làm chủ bản thân trước những cám dỗ khó cưỡng lại của ma túy, thì còn phải kể đến nguyên nhân khách quan khác đó là do sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng xã hội, khiến người nghiện gặp khó khăn trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó thì các cấp, ngành liên quan cũng chưa thực sự quan tâm, chưa đầu tư đúng mức cho công tác đào tạo, giải quyết việc làm, tạo thu nhập, giúp họ ổn định cuộc sống sau khi cai nghiện. Theo thống kê mới nhất của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2011 - 2015, trong số 2.000 lượt người đã được chữa trị, cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội thì sau đó tỷ lệ tái nghiện chiếm 80-90%. Để giải quyết tận “gốc rễ” của tình trạng này, ngày 28-3-2011 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 792 về kế hoạch công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011-2015. Theo đó cùng với việc siết chặt quy trình, công tác lập hồ sơ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, hoạt động quản lý, giám sát người nghiện thì các sở, ngành liên quan cần chú trọng công tác quản lý, tư vấn, dạy nghề, giải quyết việc làm cho người cai nghiện, giúp họ có việc làm ổn định, hạn chế tối đa tình trạng tái nghiện. Tuy nhiên những kết quả đạt được trong lĩnh vực đào tạo, giải quyết việc làmcòn rất khiêm tốn. Cụ thể, trong 5 năm qua, toàn tỉnh chỉ có 450 lượt người cai nghiện ma túy được hỗ trợ và giải quyết các vấn đề xã hội, chiếm tỷ lệ 16% trong tổng số lượt người tham gia cai nghiện ma túy; trung bình mỗi năm có 85 người nghiện ma túy được hỗ trợ dạy nghề, chiếm tỷ lệ 15%, trong đó chỉ có 5 người được hỗ trợ, tạo việc làm tại cộng đồng (chiếm tỷ lệ 1%).
Nguyên nhân của tình trạng này, theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, ngoài việc thiếu đầu tư kinh phí cho công tác đào tạo nghề thì sự phối hợp, gắn kết giữa gia đình người sau cai nghiện, người đứng đầu chính quyền cơ sở và các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa chặt chẽ, khiến người sau cai nghiện dù đã được đào tạo nghề cũng khó có cơ hội tiếp cận với công việc phù hợp ngành nghề được học. Chính vì vậy để giảm tỷ lệ người nghiện tái nghiện, theo Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Nguyễn Xuân Quý thì giải pháp căn cơ, cần tập trung hàng đầu trong thời gian tới là các địa phương cần quan tâm bố trí kinh phí, đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường, đồng thời tạo sự kết nối với các doanh nghiệp nhằm giải quyết đầu ra cho người sau cai nghiện, chứ không chỉ dừng lại ở hoạt động cai nghiện, cắt cơn tạm thời... như hiện nay.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc