Multimedia Đọc Báo in

Bất cập trong công tác phòng cháy chữa cháy ở chợ Ea Knuêk

07:10, 29/10/2016

Chợ Ea Knuêk (xã Ea Knuêk, huyện Krông Pắc) được xây dựng từ năm 1998, qua nhiều năm sử dụng nên một số hạng mục công trình đã xuống cấp, đặc biệt công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) không bảo đảm do chưa được quan tâm đầu tư…

Còn nhiều bất cập

Mặc dù vụ hỏa hoạn xảy ra tại chợ Ea Knuêk đã xảy ra hơn 3 tháng nhưng đến nay các tiểu thương và người dân sinh sống nơi đây vẫn còn bức xúc khi nhắc đến sự cố này. Vào khoảng 19 giờ 50 phút ngày 17-7-2016, tại khu vực chợ lồng đã xảy ra vụ cháy tại lô số 40, 41, 52 của bà Nguyễn Thị Quỳnh Loan (tiểu thương kinh doanh hàng quần áo), thiệt hại ước tính khoảng gần 200 triệu đồng.

Anh H. (một người dân sống gần chợ) cho biết, phía sau chợ được đầu tư xây dựng một bể nước nhằm phục vụ công tác PCCC nhưng lại xây chìm dưới mặt đất và không có… nước cũng như máy bơm nên công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Anh H. bức xúc: “Khi xảy ra cháy, tôi và những người khác đã phải dùng xô, chậu múc nước trong nhà dân để dập lửa, cứu hàng hóa. Sau khi đám cháy được khống chế thì lực lượng công an xã và PCCC của huyện mới có mặt lập biên bản hiện trường vụ việc”.

Bể chứa nước của chợ Ea Knuêk không phát huy hiệu quả vì quá nhỏ và không có máy bơm.
Bể chứa nước của chợ Ea Knuêk không phát huy hiệu quả vì quá nhỏ và không có máy bơm.

Quan sát xung quanh chợ, chúng tôi nhận thấy mọi hoạt động tại đây còn nhiều bất cập. Vì không có điểm gửi xe nên người dân vô tư chạy xe, đậu đỗ xe tại các đường ngang vốn đã chật hẹp. Các quầy hàng đều được các tiểu thương “tận dụng” diện tích một cách tối đa để trưng bày hàng hóa; hệ thống dây điện chằng chịt như mạng nhện; nước, rác thải vương vãi khắp nơi… Chính những điều này làm cho công tác PCCC của chợ Ea Knuêk gặp không ít trở ngại. Một số hộ kinh doanh trong chợ cho biết, từ khi chợ thành lập đến nay đã xảy ra cháy đến 3 lần.

“Loay hoay” vì thiếu kinh phí

Ông Phạm Hùng Nguyên, Trưởng Ban quản lý (BQL) chợ Ea Knuêk cho hay, hiện tại trong khu vực chợ lồng có 136 sạp kinh doanh các mặt hàng và 64 hộ buôn bán xung quanh chợ. Hiện BQL có 3 thành viên điều hành mọi hoạt động của chợ, từ thu phí, lệ phí cho đến công tác bảo đảm an ninh trật tự, PCCC…        

Theo ông Nguyên, khó khăn lớn nhất trong công tác PCCC của chợ là thiếu kinh phí. Mặc dù BQL chợ đã nhiều lần làm tờ trình đề nghị huyện, xã hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác PCCC nhưng do không bố trí được nên trang thiết bị phục vụ công tác PCCC còn gặp nhiều khó khăn.

 
Diện tích chợ rộng khoảng 4.000 m nhưng chỉ có vỏn vẹn 14 bình chữa cháy mini, trong khi đó theo khuyến cáo của cơ quan chức năng thì cứ khoảng 50 m 2 nên bố trí 1 bình cứu hỏa. Hay như việc xây dựng bể chứa nước phía sau chợ có thể tích quá nhỏ (khoảng 6 m 3) nên không thể bảo đảm việc PCCC; máy bơm nước thì chưa có kinh phí để mua…
 
Ông  Phạm Hùng Nguyên

Ông Y Djoang Niê, Chủ tịch UBND xã Ea Knuêk cho biết, chợ Ea Knuêk chịu sự quản lý của UBND xã, mà trực tiếp là BQL chợ do xã thành lập. Mọi hoạt động bảo đảm an ninh trật tự, PCCC… sẽ do BQL nắm bắt tình hình và điều hành. Cũng theo ông Y Djoang, vụ hỏa hoạn xảy ra vào tối 17-7 một phần là do BQL chợ sơ suất trong việc nhắc nhở, ngăn chặn người dân tự ý đem máy hàn vào chợ để hàn cửa sắt gây ra vụ cháy.

Mới đây, UBND huyện Krông Pắc đã có Công văn số 605/CV-VP chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC số 4, UBND xã Ea Knuêk triển khai thực hiện việc kiểm tra hiện trạng công tác PCCC cũng như bất cập trong công tác quản lý chợ và báo cáo cho UBND huyện nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, theo ông Y Djoang, nếu không giải quyết được vấn đề kinh phí để đầu tư trang thiết bị thì công tác PCCC tại chợ Ea Knuêk vẫn còn nan giải…  

 

 

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.