Multimedia Đọc Báo in

Tai nạn giao thông: Nỗi đau người ở lại

10:19, 26/10/2016

Mỗi vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra đều để lại nỗi đau và sự mất mát lớn với người bị nạn và người ở lại. Đó cũng là nỗi ám ảnh khôn nguôi lớn đối với những người mẹ mất con, người vợ mất chồng…

Bà Nguyễn Thị Thanh (SN 1954, xã Ea Bar, Buôn Đôn) có gia cảnh khá thương tâm, vì con trai duy nhất bị TNGT, bản thân bà bị mù lòa, chồng mất sớm… Bà Thanh có 4 người con, 3 con gái đã lập gia đình ra riêng và 1 con trai út là anh Vương Ngọc Thức. Đầu năm 2012, anh Thức cưới vợ, sinh con. Có cháu nội bồng bế, tưởng chừng hạnh phúc như mỉm cười với gia đình bà, nhưng nào ngờ khi cháu nội mới được 1 tháng 20 ngày, do cuộc sống quá khó khăn, nên vợ anh Thức đã bỏ nhà ra đi. Từ đó, vì thương con, thương cháu, hằng ngày bà phải mò mẫm pha sữa, nấu cháo, chăm sóc cháu nội thay ba nó còn phải đi làm… Những việc đó tưởng nhỏ nhặt với người bình thường, nhưng với người bị mù như bà Thanh là sự cố gắng hết sức. Cuộc sống dẫu khó khăn nhưng có tiếng trẻ bi bô trong nhà cũng an ủi, động viên được mẹ con bà Thanh phần nào. Nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, vào một ngày của tháng 5 – 2015, bà Thanh như tối sầm mặt mũi khi  nghe tin con trai mình bị tử vong do TNGT trên con đường liên thôn gần nhà. Bà kể, hôm ấy, trên đường đi làm về, Thức đi xe máy tông thẳng vào xe công nông đang đậu trên đường, được người dân đưa đi cấp cứu nhưng vì vết thương quá nặng nên không qua khỏi. Gia cảnh vốn đã đơn chiếc nay càng vắng vẻ hơn, nhà chỉ còn bà và đứa cháu lên bốn nương vào nhau sống qua ngày. Cảm thương cho gia cảnh của bà, bà con lối xóm người cho mấy ký gạo, bó rau, củ cải, còn thức ăn hằng ngày chỉ trông chờ vào chị Hoa (con gái bà) mang đến. Chị Hoa cho biết, mẹ bị mù lòa, nhiều lần chị đòi đưa cháu về nuôi, nhưng vì thương cháu bà nhất quyết không cho.

Ban ATGT huyện Buôn Đôn thăm hỏi gia đình bà Nguyễn Thị Thanh, xã Ea Bar có con tử vong vì TNGT.
Ban ATGT huyện Buôn Đôn thăm hỏi gia đình bà Nguyễn Thị Thanh, xã Ea Bar có con tử vong vì TNGT.

Chị Vi Thị Tơ (thôn 14, xã Ea Ô, huyện Ea Kar) cũng vừa có chồng là anh Trần Đình Thuyên (phụ xe khách) bị tử vong do TNGT cuối tháng 8 vừa qua. Mới bước sang tuổi 24, chị và con trai đã phải chịu cảnh mẹ góa con côi. Chị Tơ nhớ lại, hôm chồng gặp nạn 2 mẹ con chị đang về quê ngoại ở Thanh Hóa, chủ xe và người nhà trong Đắk Lắk gọi báo chị quay lại gấp vì anh Thuyên bị tai nạn gãy chân. Không ngờ, khi về đến nhà, chị mới hay chồng mình đã mất vì TNGT, lúc ấy chị như ngã quỵ, nhưng vì con nên phải gắng gượng để vượt qua nỗi đau. Anh Thuyên mất đi để lại cho chị Tơ bố mẹ già và con thơ, trước đây, đồng tiền chi tiêu chỉ trông chờ vào tiền lương phụ xe của anh Thuyên. Kể từ ngày anh mất, khó khăn lại càng gấp bội, bởi chị Tơ không có nghề nghiệp, nhà chỉ có 3 sào đất cà phê cằn cỗi, hằng ngày chị phải làm thuê cuốc mướn khắp nơi, ai gọi đâu làm đó để có tiền chi tiêu và chăm bố mẹ chồng già yếu, bệnh tật, không có khả năng lao động. Kể từ ngày con trai mất, căn bệnh thần kinh của bố chồng chị trở nặng hơn, nhiều khi ông lên cơn, chị và mẹ chồng phải bỏ hết việc nương rẫy ở nhà canh chừng. Chị Tơ tâm sự, cả ngày ông cứ ngồi thẩn thờ nhìn lên di ảnh của anh Thuyên, rồi nói lảm nhảm, cầm bất cứ vật dụng gì cũng ném vỡ hết, mỗi khi đi làm chị phải gác hết đồ dùng lên cao. Khổ nhất hôm nào có khách ở xa tới thăm, chị và mẹ chồng phải tìm cách đưa ông đến nhà bà con gần đó để tránh phiền hà.

TNGT từ lâu được xem là một vấn nạn ở nước ta, mặc dù đã được cơ quan chức năng thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng tránh, nhưng hằng năm vẫn có khoảng 9.000 người bị tử vong do TNGT, riêng 9 tháng năm 2016, cả nước có hơn 6.400 người bị tử vong, trong đó, Đắk Lắk là 180 người. Qua đây có thể thấy, dù có thực hiện giải pháp nào, nếu ý thức của người tham gia giao thông không được nâng lên thì những thiệt hại, mất mát do TNGT vẫn còn tiếp diễn và nỗi đau của người ở lại vẫn không bao giờ nguôi..

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.