Multimedia Đọc Báo in

Quản lý trật tự xây dựng từ hoạt động thanh tra

09:00, 11/11/2016

Tốc độ đô thị hoá khiến cho việc quản lý trật tự xây dựng, theo quy hoạch trở nên khó khăn. Tuy nhiên, việc các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, xử lý vi phạm đã từng bước góp phần nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực này.

Thanh tra Sở Xây dựng cho biết, trong 10 tháng năm 2016, Thanh tra sở đã ban hành 25 quyết định xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động xây dựng với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng. Trong đó, Chánh Thanh tra sở ban hành 23 quyết định xử phạt với số tiền phạt 867,8 triệu đồng; tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 2 quyết định với tổng số tiền 160 triệu đồng, chủ yếu về công tác quản lý chất lượng công trình (15 vụ); vi phạm về trật tự xây dựng (8 vụ); quyết toán công trình chậm (2 vụ).

Bên cạnh đó, Thanh tra sở tổ chức triển khai được 5 đoàn thanh tra theo kế hoạch đã được phê duyệt, chủ yếu tập trung công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng của các chủ đầu tư; điều kiện năng lực của các Ban quản lý dự án. Qua thanh tra, cơ bản các Ban quản lý đã làm tốt vai trò đại diện chủ đầu tư trong việc quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; chấp hành các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng được quy định tại các Nghị định của Chính phủ và một số văn bản có liên quan, góp phần bảo đảm chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn. Tuy nhiên, các chủ đầu tư vẫn còn những sai phạm, thiếu sót phổ biến về công tác kiểm tra điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của nhà thầu tư vấn khảo sát xây dựng so với hồ sơ dự thầu (nhân lực, thiết bị máy móc phục vụ khảo sát, phòng thí nghiệm được nhà thầu khảo sát sử dụng); sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng; phê duyệt nhiệm vụ thiết kế thực hiện không đúng quy trình (phê duyệt chung với nhiệm vụ khảo sát).

Nguyên nhân chủ yếu do ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao, thêm vào đó việc thực thi pháp luật đối với các trường hợp vi phạm chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, một số chủ đầu tư công trình có vốn đầu tư từ ngân sách thường phớt lờ, không báo cáo ngày khởi công, phương án xây dựng và đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản hướng dẫn về công tác kiểm tra, xử lý trật tự xây dựng còn nhiều bất cập, chậm so với yêu cầu thực tế. Ở một số địa phương, chính quyền các cấp chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý trật tự xây dựng, chưa phối hợp tốt với Thanh tra Xây dựng để xử lý dứt điểm các vi phạm về trật tự xây dựng, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả chưa cao; đội ngũ cán bộ cấp phường, xã được phân công làm công tác quản lý trật tự xây dựng còn hạn chế về nghiệp vụ và thường kiêm nhiệm...

Vi phạm trật tự xây dựng luôn là điểm nóng đối với các địa phương trong quá trình đô thị hóa. Do đó để hoạt động xây dựng đi vào nền nếp, ngành xây dựng đã có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, đặc biệt là ở cấp xã, phường, thị trấn; đồng thời xử lý "mạnh tay" đối với những trường hợp vi phạm... Để quá trình phát triển đô thị đi đúng "quỹ đạo", hạn chế được những bất cập trong lộ trình quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị, chấm dứt tình trạng xây dựng tự phát, Sở Xây dựng đang tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 03 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Quy chế phối hợp giữa Thanh tra Sở Xây dựng, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ban hành kèm theo Quyết định số 20/2014/QĐ-UBND ngày 27-6-2014 của UBND tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các đội thanh tra xây dựng khu vực các huyện, thị xã, thành phố, phối hợp kịp thời với chính quyền địa phương xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.

10 tháng năm 2016, Thanh tra Sở Xây dựng đã ban hành 25 quyết định xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động xây dựng với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng, chủ yếu về quản lý chất lượng công trình, trật tự xây dựng, quyết toán chậm...


Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.