Xây đắp bục, bệ lên xuống vỉa hè: Vi phạm nhiều nhưng khó xử lý
Tình trạng người dân xây đắp các bục, bệ để làm lối lên xuống vỉa hè đang xảy ra tràn lan trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Việc này không chỉ làm ảnh hưởng đến kếu cấu vỉa hè, lòng đường, bó vỉa hè các tuyến đường mà còn gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.
Tuyến đường Hoàng Diệu, đoạn từ đường Phan Chu Trinh đến Trương Công Định có kết cấu bó vỉa hè hình chữ L (tức đoạn ngoài cùng của vỉa hè giáp với lòng đường đã được làm vát lên để tạo thuận lợi cho người dân lên vỉa hè vào nhà), song chỉ một thời gian ngắn sau khi thi công vỉa hè, rất nhiều người dân đã phá bó vỉa hè hoặc đắp thêm bê tông làm bục lên xuống. Hiện tại, gần như toàn bộ tuyến đường Hoàng Diệu không còn rãnh thoát nước ven đường để thoát nước mưa bởi các hộ dân sinh sống hai bên đường đã đổ bê tông trám kín làm lối lên xuống vỉa hè trước nhà; thậm chí một số hộ còn đổ bê tông trùm cả ra diện tích lòng đường tới 30 - 40 cm để xe ôtô lên xuống.
Công nhân Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk phá dỡ các bục lên xuống vỉa hè do người dân tự xây đắp trên đường Hoàng Diệu (TP. Buôn Ma Thuột). |
Tình trạng trên còn xảy ra ở các tuyến đường có bó vỉa hè hình chữ L như: Trần Phú, Trần Bình Trọng, Đào Duy Từ… thậm chí cả khu vực xung quanh Ngã sáu. Những tuyến đường có bó vỉa hè hình chữ T với mục đích ngăn các loại xe leo lên vỉa hè như: Lê Thánh Tông, Bà Triệu đoạn xung quanh Hoa viên thành phố; Trần Quang Khải, Ngô Quyền, Lý Nam Đế đoạn xung quanh Quảng trường thành phố… cũng xảy ra tình trạng tương tự. Riêng ở đường Nguyễn Tất Thành, nhiều hộ dân còn phá đoạn vỉa hè, bó vỉa hè để làm vát bó vỉa tạo lối lên xuống vào nhà…
Nhiều đoạn đường do không còn rãnh thoát nước nên thường xuyên đọng nước ở những chỗ không bị đắp bó vỉa, gây mất vệ sinh môi trường. Ngoài ra, có không ít đoạn vỉa hè do có lối lên xuống thuận lợi nên các xe ôtô thường xuyên chạy lên đậu đỗ gây hư hỏng vỉa hè nghiêm trọng.
Mặc dù vi phạm nói trên xảy ra tràn lan như vậy nhưng rất khó xử lý dứt điểm. Từ ngày 1-8-2016 trở về trước, khi Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt còn được áp dụng, tại điểm a, Khoản 4 Điều 11 nêu rõ: Phạt tiền từ 2 đến 4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 đến 8 triệu đồng đối với tổ chức khi có hành vi vi phạm “xây, đặt bục bệ trái phép trên đường phố; tự ý đập phá, tháo dỡ bó vỉa hè hoặc cải tạo, sửa chữa vỉa hè trái phép”. Dù vậy, cơ quan chức năng khó áp dụng chế tài này đối với những cá nhân xây đắp bục bệ trái phép bởi khó khăn trong việc đôn đốc người dân thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Từ ngày 1-8-2016 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ được áp dụng thay thế cho Nghị định 171 có quy định mức phạt về hành vi làm ảnh hưởng đến bó vỉa hè và vỉa hè tăng hơn so với Nghị định 171. Song, các cơ quan chức năng vẫn chưa xử phạt được trường hợp hộ dân nào tự ý xây đắp bục bệ trái phép trên đường phố, biện pháp xử lý chủ yếu vẫn là nhắc nhở và yêu cầu không tái phạm.
Trước tình trạng xây đắp bục bệ xảy ra tràn lan trên các tuyến đường, để bảo đảm mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường, Công ty TNHH MTVđô thị và môi trường Đắk Lắk đã nhiều lần tổ chức phá dỡ các bục bệ xây đắp trái phép. Tuy nhiên, việc phá dỡ cũng chỉ thực hiện được đối với những đoạn vỉa hè có kết cấu bó vỉa hình chữ T. Còn đối với những bó vỉa hình chữ L nhiều đoạn không thể phá dỡ do bê tông người dân tự đắp đã gắn kết với vỉa hè, nếu phá dỡ sẽ làm bung toàn bộ bó vỉa hè. Do đó, việc xây đắp bục bệ trái phép trên các tuyến đường vẫn cứ tồn tại mà chưa biết bao giờ chấm dứt…
Tại điểm d Khoản 4 Điều 15 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với cá nhân, từ 6 đến 10 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm trong đó có “tự ý đập phá, tháo dỡ bó vỉa hè hoặc sửa chữa cải tạo vỉa hè trái phép”. |
Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc