Multimedia Đọc Báo in

Báo động tình trạng giáo viên dạy lái xe sử dụng bằng giả

09:40, 12/12/2016

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng phát hiện nhiều giáo viên dạy thực hành tại các cơ sở đào tạo lái xe sử dụng bằng cấp giả. Thực trạng này đã gióng lên hồi chuông báo động về công tác tuyển dụng cũng như chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh.

Phòng PA83 (Công an tỉnh) đã phát hiện 50 trường hợp sử dụng bằng tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT giả để làm hồ sơ giáo viên dạy thực hành tại 5 cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Trường Trung cấp nghề (TCN) Việt Mỹ 18 trường hợp; Trường TCN Vinasme Tây Nguyên 10 trường hợp; Trường TCN Bình Minh và Trung tâm Dạy nghề cơ giới Thành Luân, mỗi đơn vị 8 trường hợp; Trường Trung cấp Tây Nguyên 6 trường hợp.

Thực hành lái xe tại Trường TCN Việt Mỹ.
Thực hành lái xe tại Trường TCN Việt Mỹ.

Trường TCN Bình Minh (trụ sở tại phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) có 32 giáo viên dạy thực hành, trong đó, có 8 trường hợp dùng bằng cấp giả buộc phải thôi việc. Theo quy định, lưu lượng cho phép đào tạo của  trường là 300 học viên/khóa, mỗi giáo viên dạy 10 học viên/khóa. Việc các giáo viên này bị cho thôi việc đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của trường, bởi phải tuyển dụng lại. Ông Nguyễn Đình Hiếu, thành viên Hội đồng quản trị trường cho biết, một số giáo viên trước đó nghe thông tin đã tự viết đơn nghỉ việc, số còn lại trường buộc phải cho thôi việc vì không đủ điều kiện. Việc các giáo viên này nghỉ việc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của trường, bởi giờ theo quy định mới tại Nghị định 65/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo và sát hạch lái xe ôtô yêu cầu giáo viên dạy thực hành lái xe phải có  bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ sơ cấp. Do đó, việc tuyển dụng sẽ gặp khó khăn, bởi yêu cầu trình độ cao hơn, trong khi những người có kinh nghiệm về dạy lái chủ yếu có trình độ văn hóa từ THPT trở xuống. Trước đó, theo quy định tại Điều 14 Thông tư 46/2012/TT-BGTVT ngày 7-11-2012 về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, điều kiện để được cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái, ngoài các giấy tờ liên quan người yêu cầu chỉ cần có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bằng cấp tương đương trở lên.

Tương tự, là một trong những cơ sở có số lượng giáo viên sử dụng bằng cấp giả nhiều nhất bị phát hiện vừa qua, Trường TCN Việt Mỹ (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) phải chật vật mới tuyển đủ giáo viên. Trường có 60 giáo viên dạy thực hành thì có đến 18 người (chiếm 30%) không đủ điều kiện. Theo ông Nguyễn Tiến Sỹ, Hiệu trưởng nhà trường, những trường hợp này có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, hướng dẫn các học viên, phần lớn gắn bó với trường từ khi thành lập. Trường xem đây là bài học kinh nghiệm cho những lần tuyển dụng khác, đó là cần phải xem xét kỹ lưỡng hồ sơ, nếu phát hiện có dấu hiệu nghi vấn sử dụng bằng cấp, giấy tờ chưa rõ ràng thì phối hợp với cơ quan Nhà nước để xác minh, làm rõ, tránh những phiền hà sau này và ảnh hưởng đến hoạt động của cơ sở.

Đây không phải là lần đầu cơ quan chức năng phát hiện tình trạng một số giáo viên tại các cơ sở đào tạo lái xe sử dụng bằng cấp giả. Trước đó, vào năm 2015 đã phát hiện 9 giáo viên sử dụng bằng tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT giả tại Trung tâm Dạy nghề Bảo An (huyện Krông Búk), Trung tâm đã cho thôi việc những người này.

Ông Đỗ Bình Chính, Phó giám đốc Sở GTVT cho biết, từ kết quả xác minh của PA83, Sở đã có quyết định thu hồi giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe của 50 trường hợp. Cùng với đó, Sở đề nghị các cơ sở rà soát lại hồ sơ, bằng cấp của cán bộ nhân viên, nếu thấy có dấu hiệu nghi vấn thì báo cáo Sở để ngăn ngừa và chấn chỉnh.

Hiện toàn tỉnh có 8 cơ sở đào tạo lái xe ôtô, trong đó, có 6 cơ sở được xây dựng bằng nguồn vốn của các tổ chức, doanh nghiệp, gồm các trường: TCN Vinasme Tây Nguyên; TCN Việt Mỹ; TCN Bình Minh; Trung cấp Tây Nguyên; Trung tâm Dạy nghề cơ giới Thành Luân (đều có trụ sở tại TP. Buôn Ma Thuột) và Trung tâm Dạy nghề Bảo An (đóng tại huyện Krông Búk).

Lệ Băng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.