Hội thi "Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã với pháp luật": Hình thức sinh động đưa pháp luật đến với người dân
Những tràng pháo tay không ngớt, tiếng reo hò cổ vũ của khán giả, những tiếng cười và nước mắt của mọi người khi xem phần thi tiểu phẩm… đã tạo nên không khí hết sức sôi nổi tại chung kết Hội thi “Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã với pháp luật” năm 2016 vừa mới diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột.
Hội thi “Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã với pháp luật” năm 2016 được tổ chức theo hình thức sân khấu hóa. Các thi sinh trải qua 2 vòng thi gồm: Vòng 1 là các câu hỏi trắc nghiệm và phần trả lời câu hỏi tự luận liên quan đến kiến thức pháp luật; vòng 2 các thí sinh thể hiện kỹ năng thực hiện nhiệm vụ (thi hùng biện hoặc tiểu phẩm). Đây là lần thứ 3 tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thi (2 lần trước là vào năm 2003 và 2005) nhằm bồi dưỡng kiến thức pháp luật mới liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã và cá nhân Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã cũng như kỹ năng giải quyết, xử lý các công việc, tình huống cụ thể theo nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. Tham gia Chung kết năm nay có 28 thí sinh là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã tiêu biểu đại diện cho 15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức hội thi Nguyễn Hải Ninh trao giải Nhất cá nhân cho thí sinh Nguyễn Thị Linh. |
Có mặt tại Hội thi từ sáng sớm, thí sinh Nguyễn Trọng Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Khal (huyện Ea H’leo) cho biết, do đường xa nên anh đã lên đây từ đêm hôm trước. Mặc dù đã ôn luyện kỹ lưỡng cả mấy tháng rồi, nhưng đến ngày thi vẫn thấy khá hồi hộp. Còn thí sinh H’Wuan Hmok, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Liêng (huyện Lắk) thì vui vẻ nói: “Khi được tham dự hội thi ở cấp huyện, bản thân tôi đã tiếp thu thêm nhiều kiến thức pháp luật, kỹ năng quản lý hành chính liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân tại địa phương. Đến với hội thi cấp tỉnh này, tôi mong muốn được học hỏi, trau dồi thêm nhiều kinh nghiệm hơn nữa trong công tác quản lý hành chính cũng như bồi dưỡng thêm kiến thức pháp luật”.
Sau vòng thi kiến thức pháp luật, 10 thí sinh có thành tích xuất sắc đã được vào vòng thi kỹ năng thực hiện nhiệm vụ. Đây là phần thi được mọi người đón đợi, và các thí sinh đã không làm Ban Tổ chức, Ban Giám khảo cũng như khán giả thất vọng khi lựa chọn những vấn đề “nóng” đang được xã hội quan tâm để xây dựng tiểu phẩm. Ở phần thi này, tất cả các thí sinh đều có sự đầu tư nghiên cứu, chuẩn bị rất kỹ lưỡng để sáng tạo nên những tiểu phẩm hay, sâu sắc, sinh động, phản ánh đúng tình hình thực tiễn tại địa phương. Tiêu biểu như các tiểu phẩm: “Bắt vợ cho con” của xã Krông Jing (huyện M’Đrắk), “Lời ru buồn” của xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) đề cập đến nạn tảo hôn; “Tranh chấp đất đai” của phường Thiện An (thị xã Buôn Hồ), “Câu chuyện về quyền thừa kế” của phường Thống Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) phản ánh về tình trạng tranh chấp đất đai và quyền thừa kế; tiểu phẩm “Bây giờ tôi đã hiểu” của xã Ea Bông (huyện Krông Ana) đề cập đến vấn nạn bạo lực gia đình… Hầu hết các tiểu phẩm đều mang lại hiệu quả tuyên truyền pháp luật cao thông qua những tình huống hài hước, gần gũi với đời thường.
Tiểu phẩm “Câu chuyện về quyền thừa kế” của phường Thống Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả. |
Không giấu được vẻ vui mừng khi đoạt giải Nhất hội thi, thí sinh Nguyễn Thị Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Jing (huyện M’Đrắk) chia sẻ: “Tôi không nghĩ mình đoạt giải cao trong hội thi này vì thấy mọi người ai cũng thể hiện các phần thi rất tốt. Tôi thấy đây là sân chơi cực kỳ bổ ích để trau dồi kiến thức về pháp luật, đồng thời cũng là cơ hội để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong xử lý các công việc hằng ngày…”.
Đánh giá hiệu quả và tầm quan trọng của hội thi, đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức hội thi khẳng định: Đây là một trong những cuộc thi thiết thực nhất trong việc tôn vinh pháp luật, cũng như sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Trong bối cảnh chúng ta đang mở rộng dân chủ, chủ động hội nhập quốc tế và nhất là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân nên yêu cầu cán bộ Nhà nước các cấp, trong đó có cấp cơ sở (là cấp gần dân nhất) phải nắm vững và giải quyết các công việc của người dân theo đúng quy định của pháp luật. Với ý nghĩa đó, Hội thi là cơ hội để các thí sinh trau dồi kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng giải quyết những tình huống, kinh nghiệm trong công tác quản lý Nhà nước ở cấp cơ sở.
Box: Kết thúc Hội thi, giải Nhất tập thể thuộc về UBND huyện Krông Ana; 2 giải Nhì: UBND huyện M’Đrắk và Krông Pắc; 3 giải Ba: UBND huyện Cư M’gar, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột. Về giải cá nhân, Nhất: Nguyễn Thị Linh (Phó Chủ tịch UBND xã Krông Jing, huyện M’Đrắk); Nhì: Nguyễn Trọng Tài (Phó Chủ tịch UBND xã Ea Khal, huyện Ea H’leo) và Nguyễn Xuân Tỉnh (Chủ tịch UBND xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana); Ba: H’Wina Triêk (Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bông, huyện Krông Ana), Mai Kim Huệ (Chủ tịch UBND xã Krông Buk, huyện Krông Pắc) và Trịnh Như Ngọc (Chủ tịch UBND phường Thống Nhất, TP. Buôn Ma Thuột).
Kết thúc Hội thi, giải Nhất tập thể thuộc về UBND huyện Krông Ana; 2 giải Nhì: UBND huyện M’Đrắk và Krông Pắc; 3 giải Ba: UBND huyện Cư M’gar, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột. Về giải cá nhân, Nhất: Nguyễn Thị Linh (Phó Chủ tịch UBND xã Krông Jing, huyện M’Đrắk); Nhì: Nguyễn Trọng Tài (Phó Chủ tịch UBND xã Ea Khal, huyện Ea H’leo) và Nguyễn Xuân Tỉnh (Chủ tịch UBND xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana); Ba: H’Wina Triêk (Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bông, huyện Krông Ana), Mai Kim Huệ (Chủ tịch UBND xã Krông Búk, huyện Krông Pắc) và Trịnh Như Ngọc (Chủ tịch UBND phường Thống Nhất, TP. Buôn Ma Thuột). |
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc