Tăng cường công tác hậu kiểm để cải cách thủ tục hành chính
Lâu nay, chúng ta mới chỉ quan tâm đến khâu “đầu vào”, đó là trình tự, thủ tục, hồ sơ, giấy tờ ban đầu như đăng ký thành lập, cấp giấy phép hoạt động, yêu cầu về điều kiện hoạt động... mà chưa quan tâm đến “đầu ra”, tức là quá trình hoạt động, hiệu quả hoạt động và việc chấp hành pháp luật của các đối tượng quản lý.
Có thể nói, đây chính là kẽ hở khiến tình trạng vi phạm pháp luật xảy ra, nhất là những lĩnh vực có nguy cơ tiêu cực, vi phạm pháp luật cao. Bởi nếu chỉ thắt chặt các thủ tục, giấy tờ, hồ sơ ban đầu mà không làm tốt công tác hậu kiểm như thanh tra, kiểm tra, giám sát thì hiệu quả của công tác quản lý không cao, đối tượng quản lý dễ dàng vi phạm pháp luật trong quá trình hoạt động của mình.
Cán bộ ngành Thuế kiểm tra một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: G. Nam |
Minh chứng rõ nhất là trong công tác đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp. Theo quy định hiện hành, khi các doanh nghiệp đến đăng ký kinh doanh, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu rất nhiều loại giấy tờ, đưa ra nhiều điều kiện và phải tuân theo các trình tự, thủ tục hành chính. Người dân mất nhiều thời gian, đi lại nhiều lần mới có được giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau khi các doanh nghiệp này đi vào hoạt động thì các cơ quan chức năng ít quan tâm, chú trọng đến quá trình hoạt động của doanh nghiệp, thậm chí buông lỏng, bỏ mặc, không có nhiều biện pháp kiểm soát, quản lý chặt chẽ thông qua thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh, triệt để các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp. Trong khi đó, ở một số nước trên thế giới, việc đăng ký kinh doanh rất đơn giản, có thể chỉ cần thông báo với cơ quan chức năng là được phép hoạt động mà không cần phải chờ giấy phép hoặc cấp phép của cơ quan quản lý. Trong quá trình hoạt động của mình, các doanh nghiệp sẽ chủ động, tự quyết định lĩnh vực sản xuất, kinh doanh theo quy định pháp luật. Cơ quan chức năng chỉ nắm bắt thông tin để theo dõi, giám sát mà không cần phải can thiệp trực tiếp vào quá trình thành lập, hoạt động của doanh nghiệp.
Việc đơn giản trong đăng ký kinh doanh không có nghĩa là buông lỏng quản lý mà các cơ quan chức năng sẽ tập trung vào công tác hậu kiểm. Theo đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ khác nhau như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, quyết toán thuế hoặc từ phản ánh của người dân, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra và xử lý nghiêm minh, triệt để các hành vi vi phạm. Trường hợp có vi phạm pháp luật, có thể cấm kinh doanh, truy thu thuế, khắc phục hậu quả, bồi thường cho người tiêu dùng do hành vi vi phạm pháp luật gây ra... Làm tốt công tác hậu kiểm và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm có tác dụng răn đe rất lớn, làm cho môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, thông thoáng; góp phần hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, gian lận trong sản xuất, kinh doanh nói riêng cũng như vi phạm pháp luật ở tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần đổi mới công tác quản lý, điều hành chưa hợp lý hiện nay theo hướng tăng cường mở rộng, thông thoáng, đơn giản thủ tục ban đầu nhưng siết chặt kiểm tra, giám sát về sau. Theo đó, cần đơn giản hóa, bãi bỏ các giấy tờ, thủ tục hành chính không cần thiết để tạo ra môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi. Mặt khác, tăng cường công tác hậu kiểm như thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán... để vừa góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cá nhân, tổ chức trong việc chấp hành pháp luật, vừa ngăn ngừa, xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật.
Phạm Văn Chung
Ý kiến bạn đọc