Multimedia Đọc Báo in

Tang thương sau vụ chìm thuyền!

09:04, 16/01/2017

Chiều 12-1, cùng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh và chính quyền địa phương, chúng tôi đến thăm anh Nguyễn Công Hải – chồng của nạn nhân Nguyễn Thị Định (SN 1985) bị tử vong trong vụ chìm thuyền.

Cố nén nỗi đau trong lòng, anh cho biết, ngày 11-1, vợ chồng anh cùng đi làm thuê, anh làm ở gần nhà, còn chị Định sang Krông Bông trồng khoai lang. Đến khoảng 6 giờ 30 chiều, anh nghe người dân báo vợ mình đã tử vong do tai nạn chìm thuyền trên đường đi làm về. Nghe tin như “sét đánh ngang tai”, phải một lúc sau anh mới đủ bình tĩnh để cùng người thân đến hiện trường vụ tai nạn.

Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh và chính quyền địa phương thăm hỏi gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Định.
Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh và chính quyền địa phương thăm hỏi gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Định.

Được biết, vợ chồng anh Hải, chị Định cưới nhau từ năm 2003, có 2 người con, 1 trai, 1 gái. Cả 2 con đang tuổi đi học, gia đình thuộc diện cận nghèo của xã, đất đai sản xuất không có, hằng ngày vợ chồng anh làm thuê cuốc mướn kiếm tiền trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học. Em Nguyễn Thị Đoan Trang (10 tuổi), con gái út của vợ chồng anh Hải khóc nức nở: “Mẹ mới hứa với con, sau chuyến làm thuê này, mẹ sẽ có tiền mua quần áo tết cho con. Tết này, con không cần đồ đẹp nữa, con muốn mẹ về với bố và 2 anh em thôi”. Nhìn vào 2 đứa trẻ ngây thơ, càng cảm thương hơn cho số phận của người đã khuất. Chị Hoa – hàng xóm của gia đình anh Hải xót xa: “Mẹ mất, không biết khi nào tinh thần của 2 đứa nhỏ mới ổn định trở lại. Cuộc sống gia đình khó khăn, bố đi làm thuê nay đây mai đó, không biết sau này việc ăn ở, học hành của 2 cháu sẽ ra sao?”.

Đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ, ông Nguyễn Văn Trĩ (68 tuổi), bố của chị Định chia sẻ, tai nạn đến quá bất ngờ, giờ ông vẫn chưa tin được đó là sự thật. Từ nhỏ cho đến khi lập gia đình ra ở riêng, Định là một đứa con hiền lành, chăm chỉ. Vì cuộc sống khó khăn, hằng ngày con gái và con rể đi khắp nơi làm thuê, nào ngờ sau một ngày làm lụng vất vả, con gái ông đã ra đi vĩnh viễn.

Cách nhà anh Hải chừng 500 mét, không khí tang thương bao trùm nhà anh Nguyễn Văn Hạnh – chồng của nạn nhân Nguyễn Thị Bích. Khuôn mặt khắc khổ, anh bộc bạch, lúc đang chuẩn bị bữa tối chờ vợ, con đi làm thuê tận Krông Bông về, có điện thoại gọi điện báo tin vợ mất, anh bủn rủn chân tay cố đến hiện trường vụ tai nạn để đưa thi thể vợ về. Nhà anh cũng thuộc diện hộ cận nghèo, chỉ có 6 sào đất trồng lúa nước, những lúc nhàn rỗi, vợ chồng anh và đứa con trai út đi khắp nơi làm thuê kiếm sống. Tiền làm thuê tích góp được, vợ chồng đang dự định sửa sang lại ngôi nhà khỏi dột nát. Dự định chưa kịp làm thì vợ anh đã ra đi mãi mãi.

Chiếc thuyền chở 21 người gặp nạn vào chiều 11-1 trên địa bàn huyện Krông Bông đã khiến 3 người chết. Sau khi vụ việc xảy ra, Ban ATGT tỉnh đã đến thăm hỏi, chia buồn và hỗ trợ mỗi gia đình có người tử vong 3 triệu đồng.
 

Đứng bần thần bên di ảnh của mẹ, em Nguyễn Văn Hoàng (con chị Bích) kể lại, khoảng 5 giờ chiều 11-1, em cùng mẹ và 11 người dân trú tại xã Buôn Triết lên thuyền qua sông về nhà. Khi thuyền đi được gần 2/3 khúc sông thì bị chìm dần. Trước khi thuyền chìm hẳn, em chỉ nhớ ông lái thuyền kêu mọi người phải bình tĩnh. Trong phút chốc, cả chiếc thuyền và 21 người trên thuyền đều bị nhấn chìm xuống nước. Em không biết bơi, trong thuyền không hề có 1 chiếc áo phao hay bất cứ dụng cụ nổi nào, nhưng lúc đó may mắn bám được vào bó rau lang chở theo thuyền, rồi được một người kéo lên bờ. Không thấy mẹ đâu, em đứng dậy hô hoán, kêu mọi người tìm mẹ. Sau 30 phút, em cũng mệt lả người và nằm trên bờ. Lúc tỉnh dậy, nghe những người cùng đi trên thuyền nói đã tìm được thi thể của 2 người, nhưng em không ngờ trong đó có mẹ và cô Định!.

Ông Nguyễn Đăng Trọng, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết xác nhận, trên chiếc thuyền gặp nạn, có đến 13 người trú tại địa phương. Trong đó, buôn Tung 2 có 6 người, thôn Mê Linh 2 có 5 người và buôn Tung 1 có 2 người. 7 trường hợp thuộc diện hộ cận nghèo và 1 gia đình hộ nghèo của xã.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.