Multimedia Đọc Báo in

Tích cực vận động nhân dân giao nộp vũ khí

09:43, 17/01/2017

Huyện Lắk là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (trên 63%), trong đó có khá đông đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào.

Thời gian qua, tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn huyện luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, các loại tội phạm, đặc biệt là nạn trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích… chiếm tỷ lệ khá cao. Bên cạnh đó, tình trạng một số bà con dân tộc thiểu số sử dụng súng tự chế để săn bắn thú rừng, thậm chí có trường hợp sử dụng súng tự chế để giải quyết mâu thuẫn gây ra hậu quả đau lòng.

Thực hiện Pháp lệnh số 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Quản lý, thu giữ vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”, thời gian qua, Công an huyện Lắk đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, qua đó thu được nhiều kết quả cao, góp phần giữ vững ANTT tại địa phương.

Số vũ khí vật liệu nổ được người dân giao nộp tại Công an huyện Lắk.
Số vũ khí vật liệu nổ được người dân giao nộp tại Công an huyện Lắk.

Để đạt được hiệu quả, theo Thượng tá Lê Viết Kỳ, Phó Trưởng Công an huyện Lắk, đơn vị thường xuyên phối hợp với các ban ngành, đoàn thể ở cơ sở và thông qua già làng, trưởng thôn, người có uy tín để cùng vận động người dân giao nộp vũ khí dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, qua đó giúp người dân thấy được sự cần thiết phải giao nộp vũ khí, vật liệu nổ cho cơ quan chức năng; đồng thời, công an huyện tiến hành rà soát, xác minh, lập danh sách những người sử dụng súng săn, súng tự chế… để trên cơ sở đó có kế hoạch tuyên truyền, vận động tự giác giao nộp.

 
“Công tác tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp vũ khí được lực lượng Công an huyện tổ chức thường xuyên, liên tục nhưng do nhận thức của người dân còn hạn chế nên có nhiều trường hợp lực lượng công an phải vận động trong một thời gian dài”
Đại úy Nguyễn Danh An, Công an huyện Lắk


Ông Nông Văn Du, Trưởng buôn Đắk Sar, xã Đắk Nuê cho biết: “Buôn Đắk Sar được thành lập vào năm 2011, với khoảng 260 hộ, 1.029 khẩu, chủ yếu là người Mông từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào làm ăn sinh sống, mang theo các phong tục như sử dụng súng kíp, súng tự chế để bảo vệ mùa màng và săn bắn thú rừng. Bà con ở đây hầu như nhà nào cũng có súng. Sau khi được chính quyền địa phương và cán bộ Công an huyện tuyên truyền về các mối nguy hiểm cũng như việc tàng trữ và sử dụng súng là vi phạm pháp luật nên bản thân tôi đã tự nguyện giao nộp; đồng thời tích cực tham gia vận động bà con trong buôn giao nộp nhiều khẩu súng”.

Nhờ làm tốt công tác vận động người dân giao nộp vũ khí nên từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn huyện chưa để xảy ra vụ phạm pháp hình sự nào liên quan đến vũ khí quân dụng, vũ khí tự chế. Năm 2016, Công an huyện vận động người dân tự giác giao nộp 51 vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ các loại. Trước đó, năm 2015, Công an huyện Lắk cũng vận động nhân dân tự nguyện giao nộp 110 vũ khí, vật liệu nổ các loại; trong đó, 1 khẩu súng CKC, 2 khẩu súng hơi, 6 khẩu súng Klip Đu tự chế, 36 khẩu súng kíp tự chế, 63 khẩu súng kích điện bắn hơi cồn và 2 kiếm tự chế.

Lực lượng chức năng huyện Lắk tiến hành tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ do người dân giao nộp trong năm 2016.
Lực lượng chức năng huyện Lắk tiến hành tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ do người dân giao nộp trong năm 2016.

Trong thời gian tới, Công an huyện Lắk sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, công cụ hỗ trợ đang sử dụng trái phép, trong đó kết hợp giữa vận động tập trung và vận động cá biệt, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền đến từng hộ gia đình, góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn, mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

Thế Hùng

 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.