Hệ lụy từ những trò đỏ đen
Với quan niệm "tháng Giêng là tháng ăn chơi", dù đã hết Tết nhưng nhiều người vẫn đang đắm chìm trong các trò đỏ đen. Thắng đã đành, khi thua không ít người lại “vướng” vào các khoản vay nặng lãi, kéo theo nhiều hệ lụy.
Náo loạn lãi suất
Thông thường, lãi suất ở các tiệm cầm đồ, các đường dây cho vay “nóng” chỉ ở mức từ 2 đến 5 nghìn đồng/ngày/1 triệu đồng tiền vay. Thế nhưng trong những lúc cao điểm như dịp Tết Nguyên đán, lãi suất cho vay cũng “trên trời dưới biển”, bởi các chủ cầm đồ và những người cho vay “nóng” nắm được tâm lý người vay khi dường như đã bước vào “đường cùng”. Theo một chủ tiệm cầm đồ ở một xã vùng ven TP. Buôn Ma Thuột, lãi suất ở khu vực này có lúc đã lên đến 20 nghìn đồng/ngày/1 triệu đồng tiền vay. Nếu thân quen, ít nhất người vay cũng phải trả đến 5 nghìn đồng/ngày/1 triệu đồng.
Không chỉ cho vay với lãi suất cao, người đi vay còn bị “cắt” ngay khoản tiền lãi khi nhận tiền. Chẳng hạn, nếu giao kèo vay 1 triệu đồng trong 10 ngày với lãi suất 5 nghìn đồng/ngày thì người đi vay chỉ còn được nhận 950 nghìn đồng. Chưa hết, nếu sau thời gian giao kèo ban đầu mà người vay chưa trả được nợ, lúc này ngoài số tiền gốc phải trả lãi, số tiền lãi hằng ngày cũng bị tính lãi. Với kiểu tính “lãi mẹ đẻ lãi con” như trên, số tiền cuối cùng phải trả lớn hơn nhiều số tiền vay ban đầu.
Ngoài lãi suất “cắt cổ”, điều kiện để được vay tiền rất đơn giản. Đối với các tiệm cầm đồ, bất cứ vật dụng gì có giá trị thanh lý từ máy tính, máy ảnh, điện thoại, xe máy… đến bằng lái xe, giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… đều có thể làm vật cầm cố. Đối với hình thức cho vay “nóng”, chỉ cần quen biết hoặc có người bảo lãnh đều được cho vay với số tiền không hạn chế. Thậm chí nhiều đối tượng cho vay “nóng” còn có mặt ở các sòng bạc và sẵn sàng cho vay khi con bạc có nhu cầu. Với điều kiện cho vay đơn giản như vậy, nên càng có nhiều người dễ dàng trở thành con nợ.
Nhiều hệ lụy
Theo tìm hiểu, đối tượng “vướng” vào các tiệm cầm đồ, các khoản vay “nóng” khá đa dạng: sinh viên, người làm nghề tự do, thậm chí có cả cán bộ công chức Nhà nước và cũng không phân biệt nam, nữ… B.U. – một công chức đang làm việc tại Đắk Nông – sau mấy ngày chơi xóc đĩa “vui Xuân” ngoài hết bay số tiền sẵn có đã phải “cắm” cả thẻ ngành, xe máy của mình và vợ; đến ngày đi làm phải mang cả sổ hộ khẩu đến tiệm cầm đồ năn nỉ chủ tiệm cho chuộc lại một chiếc xe máy để có phương tiện đi làm. Trong khi đó, ông P.V.T. (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) cũng đã phải bán 3 tấn cà phê còn lại trong kho, trả nợ vay “nóng” để con có thể an toàn vào TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đi học. Ông T. cho hay, chỉ trong mấy ngày Tết, con của ông đã vay hơn 120 triệu đồng ngay trong sòng bạc và bị đe dọa phải trả nếu không sẽ gặp nguy hiểm!
Trên đây chỉ là hai trường hợp “điển hình” khi trót đắm mình trong nạn đỏ đen và “vướng” vào tín dụng đen. Cũng may, người có tài sản đem bán để trả nợ, người có giấy tờ “có giá” đem cầm cố. Nhiều trường hợp không có khả năng trả nợ sẽ phải mất tài sản cầm cố hoặc phải… làm liều để có tiền nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân. Và dù ở vào trường hợp nào thì cũng phải lao đao vì nợ nần, gia đình lục đục, xã hội thêm phức tạp bởi những tệ nạn này. Điều đáng buồn đây lại là tình trạng khá phổ biến trong “tháng ăn chơi”…
Quốc Anh
Ý kiến bạn đọc