Nỗ lực bảo đảm an toàn giao thông đường thủy
Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường thủy, thời gian qua, lực lượng CSGT đường thuỷ thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, trong đó lấy công tác phòng ngừa tai nạn là chính, quyết tâm không để tai nạn đáng tiếc xảy ra….
Đắk Lắk hiện có 544 km đường thủy thuộc lưu vực của 3 sông chính là sông Krông Ana, Sêrêpốk và Krông Nô. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 800 phương tiện đường thủy đang hoạt động, chủ yếu phục vụ khai thác cát, phục vụ khách du lịch và một số bến đò ngang hoạt động tự phát phục vụ việc đi lại sản xuất cho người dân. Hệ thống sông suối ở Đắk Lắk có đặc thù là mực nước lớn, chảy xiết, độ dốc cao, nhiều ghềnh đá, luồng lạch… vì vậy, tình hình giao thông trên tuyến đường thủy luôn tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn bất ngờ, đặc biệt là vào mùa mưa bão.
Chủ tàu thuyền đã ý thức trang bị áo phao cho hành khách. (Ảnh chụp tại bến đò Quỳnh Ngọc, xã Ea Na, huyện Krông Ana.) |
Trung tá Nguyễn Lực, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, để chủ động trong công tác phòng ngừa, giảm thiểu đến mức thấp nhất tai nạn giao thông đường thủy, hằng năm lực lượng CSGT đường thủy đều chủ động xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ chiến sỹ trong đơn vị, trong đó lấy công tác phòng ngừa tai nạn là chính. Đồng thời, Đội cũng thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra về chất lượng an toàn kỹ thuật, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy của các lái tàu, thuyền trên tất cả các bến, bãi và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương có sông, suối chảy qua tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân khi tham gia giao thông đường thủy; tổ chức cho các chủ phương tiện tàu, thuyền ký cam kết chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa… Nhờ đó, trong năm 2016 trên địa bàn tỉnh không để xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy nào
Chỉ riêng trong năm 2016, đội CSGT đường thủy đã tổ chức cho 36 chủ tàu, thuyền người điều khiển phương tiện cam kết chấp hành quy định của pháp luật về ATGT, nhất là quy định về bằng chứng chỉ chuyên môn, điều kiện an toàn của phương tiện, trang bị áo phao, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm trên phương tiện để phòng ngừa tai nạn, vận động người dân không xử dụng hóa chất, thuốc nổ, xung điện trong đánh bắt thủy sản để bảo vệ môi trường… Qua tuần tra kiểm soát, Đội CSGT đường thủy đã phát hiện, xử lý 468 trường hợp vi phạm ATGT đường thủy, nộp ngân sách Nhà nước số tiền xử phạt trên 115 triệu đồng.
Ông Nguyễn Công Pha, chủ bến đò ngang Quỳnh Ngọc, thôn Quỳnh Ngọc 1 xã Ea Na, huyện Krông Ana cho biết, với số khách qua lại trên sông hằng ngày lên đến 60 - 70 lượt nên việc đảm bảo an toàn giao thông đường thủy và tính mạng cho hành khách luôn được đặt lên hàng đầu. Nhờ sự kiểm soát chặt chẽ của lực lượng CSGT đường thủy về quy trình đăng kiểm, đăng ký phương tiện, giấy phép lái thuyền, cùng việc tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường thủy do cán bộ Đội CSGT đường thủy tổ chức mà ý thức chấp hành của các chủ phương tiện cũng được nâng cao.
Theo trung tá Nguyễn Lực, việc đảm bảo ATGT đường thủy của lực lượng CSGT đang gặp không ít khó khăn do tình trạng khai thác cát trái phép ở một số địa phương diễn ra phức tạp, gây ảnh hưởng đến dòng chảy của sông và làm sạt lở bờ sông. Mặc dù các chủ tàu thuyền đã trang bị áo phao cứu sinh nhưng do tâm lý chủ quan nên người tham gia giao thông chưa có ý thức sử dụng. Cùng với đó tình trạng chở quá tải người và hàng hóa trên sông cũng là tình tình trạng đang diễn ra phổ biến…
“Bên cạnh việc chủ động của lực lượng CSGT đường thủy, các chủ phương tiện tàu, thuyền, các bến đò ngang cần thường xuyên tiến hành công tác bảo dưỡng, tu sửa, kiểm tra tàu thuyền, trang bị đầy đủ áo phao, vật nổi để đảm bảo an toàn khi vận chuyển khách, hàng hóa qua sông, nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra” - trung tá Nguyễn Lực, khuyến cáo.
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc