Xã Cư Suê (huyện Cư M'gar): Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giữ gìn an ninh trật tự
Xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) có 2.355 hộ dân cư trú tại 11 thôn, buôn, trong đó có 60% là hộ người dân tộc thiểu số (DTTS), chủ yếu là người dân tộc Êđê (40%) và dân tộc Dao (20%).
Trước đây tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã Cư Suê khá phức tạp: Nạn trộm cắp, ma túy, bài bạc thường xuyên xảy ra; thanh niên giữa các thôn, buôn hay gây gổ đánh nhau, tụ tập đua xe... Xác định đây là địa bàn trọng điểm về tình hình an ninh trật tự, năm 2008, được sự phê duyệt của Bộ Công an, Công an tỉnh đã tăng cường lực lượng chính quy về phụ trách Công an xã Cư Suê để phối hợp với cấp ủy, chính quyền và nhân dân từng bước kiềm chế các vụ phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa công an - quân sự; duy trì công tác tuần tra, kiểm tra hành chính, triển khai nhiều chương trình bảo đảm trật tự an toàn giao thông…
Tình hình an ninh trật tự ổn định giúp người dân buôn Sút M’grư, xã Cư Suê yên tâm lao động sản xuất. |
Cùng với đó, Đảng ủy xã Cư Suê cũng đã từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự địa phương. Đồng chí Phan Xuân Lực, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, hằng năm Đảng bộ xã đã ra nghị quyết, phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí trong Ban Chấp hành phụ trách các lĩnh vực cụ thể như công tác nông dân, thanh niên, cựu chiến binh, phụ nữ, tổ tự quản. Nhờ vậy, hệ thống chính trị ở cơ sở không những được củng cố, kiện toàn mà còn phát huy được vai trò lãnh đạo, hạt nhân ngay tại cơ sở, góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn…
Đồng chí Nguyễn Thanh Phải, Bí thư chi bộ buôn Sút M’grư
|
Phó Bí thư chi bộ thôn 3 Triệu Thị Châu chia sẻ: Để phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng tại cơ sở, hằng năm, chi bộ thôn thường xuyên phối hợp với các hội, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, cụ thể hóa bằng việc xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình như: “Câu lạc bộ gia đình, dòng họ không vi phạm pháp luật”, “Nông dân, phụ nữ với pháp luật”, “Câu lạc bộ làng không ma túy”... Nhờ đó, đến nay 100% hộ gia đình hội viên và các dòng họ trong thôn đều ký cam kết thực hiện các nội dung của phong trào; 90% vụ việc dân sự tại cơ sở được hòa giải; 85% hộ dân đạt gia đình văn hóa cấp xã... Nhiều khu xóm, người dân còn tự góp tiền kéo đường dây, bóng điện thắp sáng, giảm thiểu tình trạng trộm cắp, tệ nạn xã hội trong thôn. Chi bộ thôn 3 nhiều năm liền đạt danh hiệu Chi bộ trong sạch vững mạnh.
Do nằm ngay sát với Khu công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột nên buôn Sút M’grư có nhiều người từ địa phương khác đến tạm trú dẫn đến phát sinh các tệ nạn xã hội như mại dâm, trộm cắp, cờ bạc… Trước tình hình đó, chi bộ buôn thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công an viên, các hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, yêu cầu các chủ nhà trọ, nhà nghỉ ký cam kết không chứa mại dâm, tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa... Qua đó, đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nhiều vụ việc “nóng”, điểm, nhóm tệ nạn xã hội, giúp giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự ngay từ cơ sở.
Theo đồng chí Phan Xuân Lực, nhờ những cách làm phù hợp với thực tế, phát huy được tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong xã, thời gian qua, tình hình an ninh trật tự, an ninh chính trị trên địa bàn cơ bản đã được giữ ổn định. Đến nay, xã cũng đã hoàn thành 15/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó có nhiều tiêu chí khó như môi trường, thủy lợi, nhà ở dân cư, thu nhập và an ninh trật tự… Có được kết quả đó là do Đảng bộ xã luôn đổi mới phương thức lãnh đạo, hướng mạnh về cơ sở, phát huy vai trò của chi bộ, đảng viên các thôn, buôn trong việc lãnh đạo, triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc