Giúp thanh niên lầm lỡ hoàn lương
Theo đánh giá của Công an tỉnh, thời gian qua, mặc dù lực lượng chức năng đã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn nhưng tình hình hoạt động của tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Hiện nay, các đối tượng mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép các chất ma túy ngày càng tinh vi và để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, chúng giao dịch qua điện thoại, internet, thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động, số điện thoại liên lạc. Thành phần và lứa tuổi phạm tội đa dạng nhưng chủ yếu là đối tượng có tiền án, tiền sự về ma túy, người nghiện và người không có việc làm ổn định. Tính đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 1.333 người nghiện ma túy; trong đó, lứa tuổi thanh thiếu niên (TTN) chiếm gần 60%. Ngoài ra, tình hình trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy (cây cần sa) xuất hiện và lan rộng một số huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn như: TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Ea Kar, Ea H’leo…
Năm 2010, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Công an đã ký kết Nghị quyết liên tịch số 03 về “Phối hợp hành động phòng, chống ma túy trong thanh - thiếu niên giai đoạn 2010-2015”. Thực hiện Nghị quyết trên, thời gian qua, lực lượng Công an và các cơ sở Đoàn trong toàn tỉnh đã phân công đoàn viên, thanh niên quan tâm, nắm bắt diễn biến tâm lý, tư tưởng, thường xuyên động viên tham gia các phong trào hoạt động; đồng thời, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ về vốn, việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho TTN sau cai nghiện ma túy làm lại cuộc đời.
Đại diện Công an và Đoàn thanh niên các tỉnh Tây Nguyên ký kết kế hoạch “Phối hợp hành động phòng, chống ma túy trong TTN giai đoạn 2016-2020”. |
Trước đây, anh Nguyễn Hồng Nguyên (thôn 14, xã Ea Păl, huyện Ea Kar) vì đua đòi với bạn bè nên nghiện ma túy lúc nào không hay. Từ khi trở thành “con nghiện”, tất cả đồ đạc trong nhà đều được Nguyên quy đổi thành “khói thuốc trắng”, mặc cho gia đình can ngăn, khuyên nhủ. Năm 2012, sau một thời gian cai nghiện, Nguyên trở về địa phương và quyết tâm làm lại cuộc đời. Năm 2013, Nguyên được Đoàn thanh niên xã Ea Păl tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện vay 25 triệu đồng để chăn nuôi heo. Ban đầu, anh chỉ nuôi vài con heo thịt và thấy có lời nên tiếp tục đầu tư, mở rộng chuồng trại chăn nuôi. Đến nay, đàn heo gia đình anh có 10 con heo sinh sản và 40 con heo thịt, thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/năm.
Tương tự, Nguyễn Tuấn Anh (SN 1985, tổ dân phố 12, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) cũng từng có một gia đình hạnh phúc, nhưng tất cả bổng chốc tan biến cũng bởi vì vướng vào “nàng tiên nâu”. Vợ anh do không chịu được áp lực vì người chồng nghiện ngập đã bỏ lại đứa con thơ mới sinh vài ngày tuổi ra đi biệt tích. Trước cú sốc tinh thần quá lớn khiến Tuấn Anh suy nghĩ lại và quyết tâm làm lại cuộc đời. Năm 2012, sau khi trở về từ Trung tâm cai nghiện, Tuấn Anh được Công an thị trấn Phước An và Đoàn thanh niên giúp đỡ về vốn khi đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để anh vay 20 triệu đồng mua dê về nuôi, mở xưởng cơ khí. Hiện nay, thu nhập bình quân hằng tháng của Tuấn Anh từ 5-6 triệu đồng, ngoài ra còn tạo công ăn việc làm cho 2-3 lao động địa phương và đang có dự định đầu tư hơn 100 triệu đồng để thực hiện mô hình trồng nấm… Tuấn Anh tâm sự: “Trước đây đầu óc tôi lúc nào cũng u mê trong khói thuốc, sức khỏe kiệt quệ, gia đình túng quẫn. Sau khi cai nghiện trở về địa phương, tôi luôn mang tâm lý mặc cảm, tự ti “con nghiện” nhưng may mắn được các bạn đoàn viên, thanh niên động viên, giúp đỡ và gần gũi nên tôi thấy mình như được sinh ra lần nữa…”.
Hồng Nguyên và Tuấn Anh là 2 trong số rất nhiều thanh niên đã từng có thời gian dài chìm đắm trong “làn khói trắng”, nhưng với quyết tâm của bản thân cùng sự động viên, giúp đỡ của lực lượng Công an, tổ chức cơ sở đoàn ở địa phương đã đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu”, làm lại cuộc đời.
Anh Võ Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh cho biết: “Hằng năm, Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với với các Trại giam của Bộ Công an đóng trên địa bàn tỉnh (Đắk Trung, Đắk Tân) tổ chức chương trình sinh hoạt với chủ đề “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” nhằm lắng nghe ý kiến của phạm nhân để có hướng giúp đỡ sau khi họ chấp hành xong án phạt. Tỉnh Đoàn còn thành lập “Quỹ khởi nghiệp” để hỗ trợ thanh niên yếu thế, nghiện ma túy, người chấp hành xong án tù… có điều kiện phát triển kinh tế, hòa nhập cộng đồng”.
Theo Đề án “Hỗ trợ TTN tỉnh Đắk Lắk sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, giai đoạn 2016-2020”, Tỉnh Đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng lối sống cho đoàn viên, thanh niên; xây dựng những điểm vui chơi giải trí lành mạnh; đồng thời vận động các cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ vốn giúp đỡ người sau cai nghiện ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình...
Từ năm 2010 đến nay, lực lượng Công an và Đoàn thanh niên các cấp trong tỉnh đã và đang giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ 290 TTN trên bước đường tái hòa nhập cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có 137 câu lạc bộ, đội, nhóm phòng chống ma túy, mại dâm với trên 1.500 thành viên tham gia; 82 câu lạc bộ, đội nhóm tuyên truyền pháp luật như: Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm”, Câu lạc bộ “Thanh niên với pháp luật”, đội thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin”… |
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc