Multimedia Đọc Báo in

Hiểm họa từ việc khai thác, tập kết cát khu vực cầu đường bộ

12:02, 03/03/2017

Thời gian qua, tình trạng khai thác cát trên các sông trên địa bàn tỉnh đã làm ảnh hưởng lớn đến an toàn cầu đường bộ.

Tại cầu Cư Păm, hay còn gọi là cầu chữ V (nối xã Khuê Ngọc Điền và Cư Kty, huyện Krông Bông) sau sự cố sụt lún trong đợt mưa lũ tháng 11-2016 hoạt động khai thác cát hiện đang diễn ra rầm rộ, các bãi tập kết cát cao vút, chất đầy bên bờ sông. Quan sát thực tế, dọc 2 bên bờ, một số vị trí lòng sông bị khoét sâu dẫn đến xảy ra tình trạng sạt lở đất sản xuất nông nghiệp. Theo phản ánh của người dân xã Cư Kty và Hòa Tân, hiện tượng sạt lở xảy ra tại nhiều vị trí dọc 2 bờ sông. Chỉ tính riêng tại thôn 2, xã Cư Kty có trên 18.400 m2 (bao gồm đất sản xuất nông nghiệp của người dân và đất hành lang dọc bờ sông) bị sạt lở. Về nguyên nhân sạt lở, tại văn bản trả lời ý kiến của cử tri trên địa bàn, UBND huyện cho biết, theo kết luận của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), ngoài hoạt động khai thác cát còn có nhiều nguyên nhân khác như: cấu tạo địa chất vùng bờ yếu, tác động của dòng chảy, chặt phá cây dọc bờ sông để nới rộng đất canh tác… Được biết, tại Quyết định số 1246/QĐ-UBND ngày 26-5-2008 của UBND tỉnh cho phép Công ty cổ phần xây dựng vật liệu Tây Nguyên khai thác cát dọc sông Krông Ana với chiều dài 23 km thuộc địa bàn các xã Hòa Tân, Khuê Ngọc Điền, Cư Kty và Hòa Lễ (huyện Krông Bông), hiện nay công ty này có 4 tàu hoạt động khai thác cát. Tuy nhiên, ngoài đơn vị được cấp phép, còn có 1 HTX không được cấp phép, nhưng vẫn hoạt động khai thác cát ở phạm vi nói trên, với số lượng 10 tàu.

Các tàu hút cát lên bãi tập kết gần khu vực cầu Giang Sơn.
Các tàu hút cát lên bãi tập kết gần khu vực cầu Giang Sơn.

Theo báo cáo kết quả kiểm tra số 2370/STNMT-KS ngày 30-12-2016 của Sở TN-MT, các đơn vị nêu trên không khai thác và hút cát tại chân cầu, hoạt động khai thác nằm trong phạm vi 500 mét đúng theo phạm vi, ranh giới đã được cấp phép. Thế nhưng, qua kiểm tra tình trạng sụt lún cầu Cư Păm của Sở Giao thông – Vận tải sau đợt mưa lũ vào hồi đầu tháng 11-2016 nhận định các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do: mưa lũ kéo dài và cầu được xây dựng từ lâu (năm 1978), ngoài ra còn do hoạt động khai thác cát, tập kết cát trên sông, làm ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên có thể đã gây tác động đến hiện tượng sụt lún cầu.

Còn tại khu vực cầu Giang Sơn, tình hình khai thác, tập kết cát diễn ra rầm rộ hơn, số lượng tàu thuyền nhiều hơn. Tại đây, có 2 đơn vị được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát xây dựng gồm Công ty TNHH Hưng Vũ và HTX Giang Sơn, ngoài ra còn có HTX Nam Sơn chưa được tỉnh cấp phép nhưng vẫn khai thác cát trong phạm vi cấp phép của HTX Giang Sơn. Việc tập kết cát khu vực cầu hiện nay có 4 đơn vị gồm: Công ty TNHH Hưng Vũ, Công ty cổ phần xây dựng Tây Nguyên, HTX Giang Sơn và HTX Nam Sơn. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, việc tập kết cát của các đơn vị này không theo quy hoạch, không bảo đảm chỉ giới hành lang an toàn cầu Giang Sơn, có nguy cơ mất an toàn cầu.

Tàu hút cát gần khu vực cầu Giang Sơn.
Tàu hút cát gần khu vực cầu Giang Sơn.

Sở GTVT cho biết, hiện toàn tỉnh có 12 công trình cầu giao thông có liên quan đến hoạt động khai thác cát, bắc qua các sông: Krông Ana, Krông Pắc, Krông Bông và các sông, suối khác. Trong đó, gồm các cầu: Giang Sơn (km 23+912 Quốc lộ 27) nối huyện Cư Kuin và Krông Bông; Cư Păm (km21+050 tỉnh lộ 9) nối xã Khuê Ngọc Điền – Cư Kty (huyện Krông Bông); Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana); Thống Nhất, Ea Ô, số 1 (thuộc xã Ea Ô, huyện Ea Kar); thôn 5, Vụ Bổn (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc); buôn Chàm (xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông); Krông Kmar (thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông); cầu số 17, 18 và cầu thuộc đường vào xã Cư Króa (xã Cư M’ta, huyện M’Đrắk).

Tình trạng khai thác cát trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực gần các công trình cầu giao thông không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, sạt lở đất đai mà tiềm ẩn nguy cơ sụt lún, sập cầu rất cao, nhất vào mùa mưa hằng năm. Hơn thế nữa, tại các bãi tập kết cát, hằng ngày có đến hàng chục lượt xe tải trọng nặng vận chuyển cát ra vào sẽ tác động đến kết cấu mố và trụ cầu. Trước thực trạng trên, mới đây UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở TN-MT phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát các khu vực khai thác cát có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn cầu, trên cơ sở đó tham mưu với tỉnh điều chính giấy phép khai thác cát có khoảng cách cầu về mỗi phía là 1.000 mét; giao các huyện Cư Kuin, Krông Bông giải tỏa các đơn vị tập kết cát tại khu vực cầu Giang Sơn, cầu Cư Păm thuộc địa bàn huyện quản lý.               

Theo quy định tại Điều 16, Nghị định 11/NĐ-CP ngày 24-2-2010 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định, đối với cầu trên đường ngoài đô thị, tính theo chiều dọc cầu thì giới hạn hàng lang an toàn là 50 mét (đối với cầu có chiều dài trên 60 mét), 30 mét (đối với cầu dài dưới 60 mét).


Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.