Multimedia Đọc Báo in

Tuần tra rừng cùng kiểm lâm

14:02, 26/04/2017

Theo chân những người kiểm lâm Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn đi tuần tra bảo vệ rừng, đạp xe hàng chục cây số giữa rừng dưới cái nắng như đổ lửa, chúng tôi mới hiểu được phần nào nỗi vất vả, khó khăn của những người làm công tác bảo vệ rừng nơi đây…

Sau khi chuẩn bị một số dụng cụ cần thiết, kiểm tra lại xe đạp, đèn pin…, theo Tỉnh lộ 1, đạp xe khoảng 5 cây số, chúng tôi chọn Trạm Kiểm lâm số 3 (đóng trên địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) để bắt đầu hành trình vào Vườn.

Đến trạm khi trời đã quá trưa, để bảo đảm yếu tố bí mật nên chúng tôi phải thay đổi kế hoạch dời lại chuyến đi vào lúc trời nhá nhem tối. Trong thời gian chờ đợi, được nghe những câu chuyện nghề, tận mắt chứng kiến cuộc sống hằng ngày của các kiểm lâm viên, chúng tôi mới thấu hiểu được nỗi vất vả của các anh. Anh Phan Bá Hoàn, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 3 chia sẻ, Trạm hiện có 12 kiểm lâm viên được phân công tuần tra, bảo vệ gần 5.000 ha rừng tại các Tiểu khu 477, 499, 484 và 485. Theo quy định đối với rừng đặc dụng trung bình một kiểm lâm được giao quản lý, bảo vệ 500 ha rừng, thì quân số của Trạm cơ bản bảo đảm. Tuy nhiên, đây là “trạm cửa ngõ” của rừng khi mà mọi hoạt động của lâm tặc đều phải qua đây. Ngoài ra, với địa hình bằng phẳng, người dân sinh sống ngay sát rừng nên công tác bảo vệ rừng của trạm rất vất vả.

Các loại xe độ chế dùng để chở gỗ, lâm sản trái phép bị lực lượng kiểm lâm VQG Yok Đôn thu giữ.
Các loại xe độ chế dùng để chở gỗ, lâm sản trái phép bị lực lượng kiểm lâm VQG Yok Đôn thu giữ.

Anh Hoàn cho biết, gần 10 năm công tác tại đây, thời gian anh ở rừng nhiều hơn ở nhà. Có những chuyến đi tuần phải mất 2 đến 3 ngày. “Ngày đội nắng, tối phơi sương”, ngủ trong rừng, ăn cơm nắm… là chuyện thường như cơm bữa. Đặc biệt là vào những dịp lễ, tết, lâm tặc lợi dụng thời điểm này để khai thác gỗ, lâm sản nên thời gian các anh “ở với rừng” lại càng dài ngày hơn. Nhiều hôm đi bộ hàng chục cây số đường rừng nên hai đầu gối đau nhức ê ẩm, toàn thân mệt lả nhưng các anh đã động viên nhau cố lên, vì đã dấn thân vào nghề này thì phải chấp nhận. “Tất cả vì sự nghiệp bảo vệ rừng, vì môi trường mà thôi”- anh Hoàn bộc bạch.

Đúng 17 giờ, các kiểm lâm viên thay đồng phục, kiểm tra các dụng cụ, mang theo nhiều nước, mì tôm… để vào rừng truy quét lâm tặc. Trời mùa khô Tây Nguyên nóng hầm hập, rừng đang mùa rụng lá nên suốt trên đường đi, mọi người trong đoàn ai nấy đều ra mồ hôi nhễ nhại. Sau khoảng 1 giờ đạp xe, khi đến vị trí đã chọn từ trước, anh Nguyễn Thế Cường, Trạm phó Trạm Kiểm lâm số 3 ra lệnh cho mọi người dừng lại, cất giấu xe đạp, mắc võng để nằm mai phục, đón lõng lâm tặc. Anh Cường cho biết, sở dĩ phải đi tuần tra vào lúc này và nằm mai phục vì lâm tặc ngày càng ranh mãnh khi ban ngày chúng theo dõi từng bước đi của kiểm lâm rồi mới thông báo cho đồng bọn tỏa vào rừng. Khi vận chuyển gỗ, lâm sản từ rừng ra, chúng thường lợi dụng lúc nhá nhem tối, đêm khuya hay mờ sáng, chúng cho một người đi trước và nếu bị bắt thì thông tin cho đồng bọn dừng lại hoặc là đi thành tốp rồi về không nhằm làm cho kiểm lâm mất cảnh giác thì toán sau sẽ chở gỗ ra. Lâm tặc cũng thường đi đông người để tạo áp lực và sẵn sàng chống lại kiểm lâm khi bị bắt. Chính vì vậy, mỗi kíp đi tuần tra tối thiểu phải có 3 đến 4 kiểm lâm để bảo đảm an toàn…

Khi được hỏi lý do vì sao lại chọn nghề nguy hiểm và vất vả này, kiểm lâm viên Trần Văn Mạnh chia sẻ: “cái duyên” đã gắn kết chúng tôi với rừng như vậy. Tuy vất vả, nhưng cuộc đời kiểm lâm cũng thú vị lắm. Những bữa cơm nắm mang theo ăn vội, những cuộc tuần tra đội mưa xuyên rừng; nhiều đêm nằm phục kích lâm tặc, hay nằm lắng nghe tiếng côn trùng, chim kêu vượn hú… đã trở nên quen thuộc và gắn bó với chúng tôi. Nếu vì một lý do nào đó mà không được đi rừng thì chúng tôi “nhớ rừng” lắm.

VQG Yok Đôn có tổng diện tích 115.545 ha, là khu bảo tồn hệ sinh thái rừng khộp duy nhất tại Việt Nam và là khu rừng đặc dụng có diện tích lớn thứ 2 cả nuớc. Yok Đôn cũng là VQG có tính đa dạng sinh học cao với trên 922 loài thực vật, 89 loài thú và khoảng 305 loài chim, trong đó có nhiều loài động thực vật đặc hữu, quý hiếm như voi, các loài thú móng guốc, các loài cây gỗ và thuốc quý…

Duy Tiến

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.