Multimedia Đọc Báo in

Báo động gian lận nhãn mác hàng hóa

08:33, 05/05/2017

Trước sự cảnh giác của người tiêu dùng về hàng Trung Quốc kém chất lượng, gần đây xuất hiện tình trạng người bán cố tình đánh tráo nhãn mác để bán cho chạy hàng. Hành vi này dù không mới, nhưng nhiều người mua vẫn bị lừa.

Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, chiêu trò gian lận này xảy ra ở hầu hết các mặt hàng, từ quần áo, mỹ phẩm, đến trái cây nhập ngoại… “Thủ thuật” đánh tráo nhãn hàng hóa để lừa người mua phổ biến nhất là việc người bán mua hàng về rồi tự ý in ấn, đóng nhãn hàng Việt để bán lại cho người tiêu dùng. Một chủ cửa hàng buôn bán quần áo lâu năm trên đường Trần Phú (TP. Buôn Ma Thuột) tiết lộ, đối với quần áo có nhãn Việt Nam chưa chắc đã là hàng Việt. Nhiều tiểu thương nhập hàng Quảng Châu (Trung Quốc) về rồi in ấn tem, nhãn là hàng Việt đính trên sản phẩm để bán, nhằm tránh tâm lý lo sợ, “né” quần áo Trung Quốc có chứa chất độc hại của người tiêu dùng. Chị Phạm Thị Nga (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, có lần, chị mua chiếc áo ở một cửa hàng lớn trên địa bàn thành phố, mặc dù sản phẩm này có gắn mác là hàng Việt Nam nhưng ở đường may bên trong thân áo vẫn còn sót lại tem  nhãn có dòng chữ Trung Quốc.

 Cán bộ Chi cục Quản lý  thị trường tỉnh  tiến hành  kiểm tra  nhãn mác  hàng hóa  tại một đại lý  kinh doanh  ở TP. Buôn Ma Thuột.
Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tiến hành kiểm tra nhãn mác hàng hóa tại một đại lý kinh doanh ở TP. Buôn Ma Thuột.

Đối với mặt  hàng thực phẩm thì việc cố tình đánh tráo nguồn gốc thật của hàng hóa lại càng phổ biến. Theo thông tin phóng viên có được, tại nhiều chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, các loại củ như cà rốt, khoai tây, hành, tỏi… phần nhiều là của Trung Quốc nhưng được các tiểu thương tháo bỏ bao bì và giới thiệu với người mua là củ, quả của Đà Lạt, hành Bắc, tỏi Lý Sơn… để bán. Theo một tiểu thương tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, hành, tỏi Trung Quốc có giá rẻ hơn 3-4 lần so với hàng trong nước nên để có lãi cao thì phải mua hàng này về bán.

Tương tự, trái cây có dán nhãn mác Trung Quốc cũng được nhập về theo đường tiểu ngạch và được người bán cố tình mập mờ nhãn mác để đánh lừa người tiêu dùng. Tại nhiều chợ bán lẻ, tiểu thương gỡ bỏ bao bì rồi bày bán và dĩ nhiên, họ cố tình “phớt lờ” hoặc “né” nguồn gốc thật của nó. Ghé bất cứ quầy trái cây nào trên địa bàn thành phố, trái cây nhập ngoại không thiếu, từ táo, nho, cam, quýt…, người bán đều quảng cáo với khách hàng đây là trái cây nhập từ Mỹ, Nhật, Úc, Thái Lan mà tuyệt nhiên, không hề có loại trái nào là của Trung Quốc (?!). Thực chất có đúng vậy hay không thì người mua rất khó nhận biết vì nguồn gốc của chúng rất mập mờ và trên lớp vỏ bên ngoài của các loại quả này không hề có tem dán, giấy phép kiểm dịch thực vật…

Trên thực tế, việc ghi nhãn hàng hóa là cơ sở quan trọng để người tiêu dùng nhận biết được nguồn gốc, xuất xứ và loại sản phẩm được bày bán, lưu hành trên thị trường. Theo Chi cục QLTT tỉnh, trong quá trình kiểm tra, đơn vị cũng đã phát hiện có trường hợp tiểu thương tự ý “thay áo mới” cho sản phẩm bằng cách tự ý tháo bao bì có in dòng chữ Trung Quốc và cho vào những túi đựng khác, tập trung nhiều nhất là ở mặt hàng trái cây, xí muội, ô mai, mứt… Khi đến tay người tiêu dùng, các sản phẩm này được đóng thành từng gói nhỏ (mà không ghi bất cứ một thông tin gì) để bán lẻ hoặc bán theo ký. Mỗi năm, đơn vị này phát hiện, tiêu hủy hàng trăm sản phẩm mỹ phẩm, giày dép, giỏ xách, bánh kẹo các loại, toàn bộ có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng vẫn được gắn nhãn “made in Viet Nam”.

Rõ ràng, chuyện tiểu thương cố tình không minh bạch hoặc “phù phép” về nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa để bán không còn là chuyện mới, vấn đề là người tiêu dùng rất khó để phát hiện. Do đó, bên cạnh việc đề cao cảnh giác của người mua thì rất cần sự vào cuộc quyết liệt kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng để bảo vệ người tiêu dùng.

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.