Multimedia Đọc Báo in

Cần nâng cao tính hiệu lực thực tế của Quy ước thôn, buôn

08:11, 05/06/2017

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm hướng dẫn các thôn, buôn, tổ dân phố xây dựng và thực hiện Quy ước gắn với nội dung trọng tâm của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Tại nhiều nơi, chính quyền địa phương đã bổ sung nội dung thực hiện Quy ước như một tiêu chí để xây dựng nông thôn mới và công nhận các danh hiệu gia đình văn hóa, thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa.

Nội dung của Quy ước là quy định của cụm dân cư về văn hóa xã hội, trật tự an ninh, vệ sinh môi trường, việc cưới, việc tang, lễ hội, bảo vệ sản xuất và hoa màu, xây dựng gia đình văn hóa... Trong xã hội truyền thống, hương ước của các làng người Kinh hay luật tục của các tộc người dân tộc thiểu số là công cụ điều tiết chủ yếu tại cộng đồng. Ngày nay, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc thừa nhận hương ước hay luật tục bằng cách “chính thức hoá” thông qua mô hình xây dựng Quy ước. Quy ước đang được chính quyền và người dân địa phương xem như một công cụ tham gia vào sự điều tiết xã hội, có vai trò trong quản lý xã hội tại cộng đồng.

Ảnh  minh họa
Cấp ủy, ban tự quản buôn Ling (xã Ea Kpan) và H’Đing (xã Cư Đliê M'nông) của huyện Cư M'gar thường xuyên gặp gỡ trao đổi, nắm bắt thông tin với nhau. Ảnh: N.Hoa

Tuy nhiên, dường như việc xây dựng Quy ước đang được hành chính hóa. Nếu như vào những năm 2000, nhiều hương ước được cho là xây dựng tự phát, mỗi nơi một kiểu, chứa đựng các điều khoản không đúng tinh thần luật pháp, không thuộc thẩm quyền, can thiệp quá sâu vào đời sống cá nhân, thậm chí vi phạm các chuẩn mực đạo đức… thì hiện nay, Quy ước thôn, buôn ở các địa phương lại thường được soạn theo mẫu và ban hành mang tính hình thức. Trên thực tế, sự khác biệt giữa các cụm dân cư chưa được thể hiện một cách rõ ràng trong suốt quá trình xây dựng, ban hành và thực thi Quy ước. Nhiều bản Quy ước sao chép của nhau hoặc sao chép máy móc các quy định của pháp luật nên không thể hiện được nét riêng, nét đặc trưng của từng địa phương. Dưới cái nhìn của người dân, sự tồn tại của Quy ước thể hiện nguyện vọng của họ trong việc được bảo đảm sống trong môi trường an toàn, được chia sẻ và tôn trọng từ các thành viên khác của cộng đồng, song thực tế là, ở vùng nông thôn, không có nhiều người dân biết các nội dung cụ thể của Quy ước. Ở khu vực đô thị, có lẽ hiếm hoi có người dân còn giữ được bản Quy ước của khối phố nơi mình ở.

Thiết nghĩ, trong xây dựng Quy ước, bên cạnh việc cập nhật tình hình thực tế tại cộng đồng thì cần nhận diện cơ chế đích thực, con người cụ thể từ cộng đồng đóng vai trò chủ chốt để duy trì Quy ước, nâng cao vai trò của Quy ước trong quản trị cộng đồng cũng như hòa giải các vướng mắc. Rõ ràng là, vấn đề hiệu lực thực tế của Quy ước trong điều tiết xã hội tại cộng đồng hiện nay cần được xem xét thấu đáo hơn trong bối cảnh hầu hết làng, khối phố, cụm dân cư… được báo cáo là đã xây dựng Quy ước và triển khai thực hiện.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.