Multimedia Đọc Báo in

Thiếu lực lượng phối hợp, trạm cân lưu động hoạt động kém hiệu quả

09:32, 09/06/2017

Được đầu tư với số tiền không hề nhỏ, nhưng thời gian gần đây công tác kiểm soát tải trọng xe ở trạm cân số 53 của tỉnh hoạt động ngắt quãng, kém hiệu quả, kéo theo đó tình trạng xe quá tải trên các tuyến đường huyết mạch có dấu hiệu gia tăng.

Đầu tháng 5 – 2014, Trạm cân lưu động số 53 của tỉnh chính thức đi vào hoạt động, có sự phối hợp giữa PC 64, PC 67 Công an tỉnh và Thanh tra Sở GTVT thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tải trọng trên các tuyến quốc lộ: 14, 26, 27 và tỉnh lộ 2. Kết quả, từ 6 – 5 – 2014 đến 23 – 9 – 2016, Trạm cân 53 đã kiểm tra 11.973 phương tiện, trong đó, 797 xe vi phạm về tải trọng, tổng khối lượng buộc hạ tải 1.772 tấn, số tiền đã xử phạt 5,9 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 216 trường hợp.

Tại Thông báo số 13/TB-BCA-V11 ngày 8 – 9 – 2016 của Bộ Công an, Bộ đã thống nhất kết thúc thực hiện Kế hoạch liên ngành Bộ Công an – Bộ GTVT về kiểm tra tải trọng phương tiện. Thực hiện thông báo này, ngày 19 – 9 – 2016, Công an tỉnh Đắk Lắk có Báo cáo số 569/BC-CAT-PC67 đề nghị UBND tỉnh chấm dứt thực hiện Quy chế phối hợp trong quản lý hoạt động của Trạm cân 53. Điều này đã gây không ít khó khăn cho Thanh tra giao thông (TTGT) làm nhiệm vụ tại trạm cân do thiếu lực lượng phối hợp, khiến hoạt động của trạm không thường xuyên, chỉ thực hiện được trên Quốc lộ 27 và tỉnh lộ 2, kéo theo đó hiệu quả không cao.

Xe tải chen chúc trên tỉnh lộ 8 đoạn qua huyện Cư M'gar.
Xe tải chen chúc trên tỉnh lộ 8 đoạn qua huyện Cư M'gar.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết, sau khi chấm dứt việc phối hợp của hai ngành, Trạm cân số 53 đã phải tạm dừng hoạt động 4 tháng (từ 24 – 9 – 2016) đến 25 – 1 – 2017 mới hoạt động trở lại, nhưng công tác kiểm soát tải trọng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Bởi theo quy định về chức năng, nhiệm vụ, TTGT chỉ được dừng phương tiện khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, trong khi, việc phát hiện xe có dấu hiệu vi phạm bằng mắt thường là rất khó. Mặt khác, lực lượng TTGT hiện nay rất mỏng, thiếu phương tiện, công cụ hỗ trợ nên không thể truy đuổi khi các xe vi phạm bỏ chạy. Cũng theo ông Toàn, từ khi không có sự phối hợp của lực lượng lượng công an, khi TTGT phát hiện xe tải có dấu hiệu vi phạm, yêu cầu vào trạm cân để kiểm tra tải trọng thì có tới 30% số xe không chấp hành. Nhiều tài xế vi phạm tải trọng có thái độ chống đối, thậm chí thách thức, bỏ chạy khỏi trạm cân.

Không những thế, mỗi khi lực lượng trạm cân làm nhiệm vụ trên các tuyến đường được giao thì lượng xe tải đối phó bằng cách đi các tuyến đường nhánh để né trạm cân. Đơn cử như vào đầu quý I – 2017, đơn vị quản lý đường đã thống kê trong 3 ngày (từ 5 đến 7 – 1 – 2017), trung bình mỗi ngày, đêm có khoảng 2.515 lượt ôtô lưu thông trên tỉnh lộ 8, hướng từ TP. Buôn Ma Thuột đến huyện Cư M’gar và ngược lại. Còn qua kiểm đếm từ ngày 5 đến 7 – 4 – 2017, trung bình mỗi ngày, đêm có 1.963 lượt ôtô lưu thông trên tuyến đường này. Nhưng qua 1 tuần (từ 22 đến 29 – 5) đặt Trạm cân 53 tại tuyến đường này, lực lượng chức năng chỉ kiểm tra được 59 phương tiện, phát hiện 1 xe vi phạm tải trọng từ 50 – 100%.

Tương tự, trên tuyến tỉnh lộ 2, qua khảo sát của cơ quan chức năng trong 3 ngày (từ 8 đến 10 – 8 – 2016) có khoảng 32 lượt xe chở cát lưu thông từ bến cát Quỳnh Ngọc ra đường Hồ Chí Minh có dấu hiệu quá tải. Đó mới chỉ là khảo sát vào giờ hành chính, còn con số thực tế chắc chắn lớn hơn nhiều, bởi các xe chở cát thường hoạt động cao điểm vào các khung giờ từ 4 – 5 giờ sáng, 12 – 13 giờ và chiều tối. Còn theo quan sát thực tế của phóng viên trên tuyến tỉnh lộ 2 cho thấy, các xe chở cát, gạch có dấu hiệu quá tải rất cao, chạy với tần suất dày. Nhưng khi Trạm cân 53 đặt ở tuyến đường này (từ 18 đến 23 – 4 – 2017, TTGT qua kiểm tra 72 phương tiện, chỉ phát hiện 2 xe vi phạm về tải trọng.

Hiện nay, lượng xe quá tải trên các tuyến đường huyết mạch, nhất là Quốc lộ 14 và 26 vẫn còn diễn biến phức tạp và khả năng sẽ gia tăng trở lại nếu không tiếp tục thực hiện kiểm soát tải trọng bằng trạm cân lưu động với lực lượng phối hợp. Trước thực trạng này, Sở GTVT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho phép tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp giữa PC67, PC64 và TTGT, đồng thời đề xuất vị trí đặt trạm cân theo văn bản số 9530/UBND-CN ngày 25 – 11 – 2015 của UBND tỉnh (gồm các tuyến quốc lộ: 14, 26, 27 và tỉnh lộ 2) nhằm duy trì và tăng hiệu quả của Trạm cân 53.

Theo thống kê, từ đầu năm 2017 đến nay, Trạm cân 53 đã kiểm tra tải trọng 403 phương tiện, phát hiện 27 xe vi phạm (trung bình mỗi tháng chỉ xử phạt được 5 trường hợp chở quá tải trọng), thấp hơn rất nhiều so với kiểm tra bằng cân xách tay. Cụ thể, trong khoảng thời gian này, bằng cân xách tay, TTGT tiến hành kiểm tra 267 phương tiện, phát hiện 212 xe vi phạm, số tiền xử phạt gần 1,4 tỷ đồng.

 

Hoàng Tuyết – Hồng Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.