Multimedia Đọc Báo in

Tan cửa nát nhà vì vay nặng lãi

08:59, 15/07/2017

Thời gian qua, nhiều người dân ở thôn 4, xã Cư Kty (huyện Krông Bông) lâm vào cảnh khốn đốn khi vướng vào vòng xoáy nợ nần vì đi vay nặng lãi. Có gia đình phải thuê lại chính ngôi nhà của mình để ở do bị xiết nợ.

Trong ngôi nhà gỗ 3 thế hệ cùng sinh sống đã xuống cấp, bà Nguyễn Thị Thạch ở thôn 4 suốt ngày rầu rĩ vì đến căn nhà che nắng mưa cũng không còn giữ được. Vợ chồng bà Thạch không có nghề nghiệp ổn định, chỉ có 7 sào đất trồng cà phê, thu nhập không đủ trang trải cho sinh hoạt và con cái ăn học. Vợ chồng bà lại thường xuyên đau ốm. Trong lúc túng thiếu, bà Thạch mang giấy tờ nhà thế chấp ngân hàng để vay tiền. Sau một thời gian không có tiền trả lãi, ngân hàng hối thúc, túng quẫn bà Thạch đi vay “nóng” bên ngoài từ một người tên Cúc với mức lãi suất 5%/tháng để trả lãi ngân hàng. Từ số tiền ban đầu là 60 triệu đồng, đến nay tổng cả gốc lẫn lãi bà Thạch phải trả đã lên đến 400 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Thạch đang ở nhờ trong chính ngôi nhà của mình.
Bà Nguyễn Thị Thạch đang ở nhờ trong chính ngôi nhà của mình.

Với số nợ 400 triệu đồng và lãi suất không ngừng tăng lên, vượt xa khả năng trả nợ, bà đành bán nhà và đất của mình với giá 360 triệu đồng để trả nợ. “Tuy gia đình tôi giao nhà, đất cho chính chủ nợ nhưng vẫn còn thiếu 40 triệu đồng. Giờ đây chúng tôi phải ở nhờ trên chính ngôi nhà của mình” - bà Thạch buồn bã.

Tương tự, bà Mai Thị Hòa cũng vay “nóng” 50 triệu đồng từ năm 2014 với mức lãi suất 3 nghìn đồng/ngày/1 triệu. Đến nay số nợ đã lên đến 553 triệu đồng, gấp hơn 10 lần số vay ban đầu. Không có tiền trả nợ, gia đình bà Hòa bị đâm đơn kiện, đã bỏ nhà đi khỏi địa phương.

Một gia cảnh khác ở trong thôn là bà Mai Thị Liêm cũng đang rơi vào hoàn cảnh bế tắc vì vay lãi suất “cắt cổ” là bà Mai Thị Liêm. Đầu năm 2011, bà Liêm cần vốn để đầu tư sản xuất nên thông qua một người môi giới tên Hồng ở thị trấn Krông Kmar vay giùm 50 triệu đồng, lãi suất 5%/tháng. Làm ăn thất bại, không có tiền trả lãi, bà Liêm lại tiếp tục đi vay với lãi suất từ 3-5 nghìn đồng/ngày/1 triệu. Đến nay tổng số tiền bà Liêm đang nợ hơn 400 triệu đồng, trung bình mỗi tháng gia đình bà phải trả trên 20 triệu đồng tiền lãi. “Số tiền lãi phải trả quá cao, gia đình tôi lại nuôi con học đại học nữa nên khả năng trả được nợ là không thể. Gia đình tôi đang đứng trước nguy cơ bán nhà, đất để trả nợ” – bà Liêm chia sẻ.  Khi được hỏi về chủ nợ thì bà Liêm cho biết “chưa bao giờ gặp, cũng không có số điện thoại”.

Theo bà Trần Thị Nhánh, Thôn phó thôn 4, từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn thôn đã có 3 hộ bỏ đi vì nợ nần do vay nặng lãi với số tiền hàng trăm triệu và không có khả năng trả nợ, bị chủ nợ kiện hoặc hối thúc.

Ông Nguyễn Tư, cán bộ tư pháp xã Cư Kty xác nhận, trên địa bàn thôn 4 đang xảy ra tình trạng nhiều người bỏ đi khỏi địa phương do vướng phải nợ nần vì vay nặng lãi. Vào tháng 9-2016, xã nhận được đơn khởi kiện của bà Trương Thị Kim Cúc ở thôn 4 đối với các trường hợp vay tiền nhưng không trả nợ, xã đã đứng ra hòa giải nhưng không thành công. Một số trường hợp đã đi khỏi địa phương thì xã không thể thực hiện hòa giải. them nữa, khi vay tiền, chủ nợ và người vay ký vào giấy, ghi rõ thời gian vay và số tiền; còn lãi suất bao nhiêu thì thỏa thuận miệng với nhau, không thể hiện trong giấy vay nợ nên cơ quan chức năng không đủ chứng cứ để can thiệp.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Cư Kty cho hay, tình trạng người dân đi vay nặng lãi dẫn đến cảnh “tan cửa nát nhà” phải bỏ đi khỏi địa phương chỉ xảy ra trên địa bàn thôn 4. Chính quyền địa phương cũng đã cảnh báo, đồng thời thực hiện các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để hạn chế rủi ro.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.