Multimedia Đọc Báo in

Cảnh giác với thủ đoạn lừa cầm sổ đỏ để vay vốn

16:57, 19/11/2017

Do cả tin và thiếu hiểu biết, một số người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số đã mất quyền định đoạt tài sản của mình chỉ vì giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là bìa đỏ) cho người khác vay tiền.

Trong căn nhà gỗ đã mục nát, chị H’Gin Bkrông ở buôn Tơng Jũ, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột buồn rầu kể: Do nhu cầu muốn vay vốn để đầu tư sản xuất nên khi bà N.T.K.L hứa sẽ vay giúp, chị H’Gin tin tưởng giao 2 bìa đỏ của mình cho bà. Ngày 11-5-2016, bà L. gọi chị H’Gin lên Văn phòng công chứng Đắk Lắk tại số 121-123 Y Jút, TP. Buôn Ma Thuột để ký giấy tờ vay vốn nhưng không cho đọc nội dung. Khoảng gần 1 tháng sau, bà L. gọi điện chị H’Gin đến quán cà phê để nhận 250 triệu đồng với điều kiện phải đưa lại cho bà 25 triệu đồng tiền lãi suất 1 năm và 25 triệu đồng tiền hoa hồng.

Bà L. cũng cầm sổ đỏ và hứa vay cho em gái chị H’Gin là H’Jong Bkrông ở cùng buôn số tiền 120 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi gọi H’Jong lên Văn phòng công chứng Đại An để ký giấy tờ (cũng không được đọc nội dung) đến nay bà L. không liên lạc lại để giao tiền.

Ông Y Hrah và chị H’Gin buồn rầu vì mất hết tài sản.
Ông Y Hrah và chị H’Gin buồn rầu vì mất hết tài sản.

Nhận thấy nhiều dấu hiệu khả nghi, hai chị em chị H’Gin lên Văn phòng công chứng Đắk Lắk và Đại An tìm hiểu thì mới biết bìa đỏ của họ đã được sang tên cho ông C.H.L (chồng của bà L.), sau đó được chuyển nhượng 2 bìa cho bà N.T.H.L. để thế chấp vay ngân hàng 700 triệu đồng, còn 1 bìa  bán cho bà L.T.A.H. với giá 250 triệu.

Tương tự, ông Y Hrah Niê ở buôn Cưm Blim, xã Ea Kao cũng giao bìa đỏ với diện tích 9 sào cho bà L. để nhờ vay 50 triệu đồng trả ngân hàng. Sau khi được bà L. gọi đến Văn phòng công chứng Đại An để ký giấy tờ thì cắt đứt luôn liên lạc. Hiện thửa đất của ông Y Hrah đã được sang tên và chuyển nhượng cho người khác để thế chấp vay số tiền 600 triệu đồng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Ông Y Hrah và chị H’Gin còn cho biết thêm, có rất nhiều hộ dân là người dân tộc thiếu số ở các huyện Cư Kuin, Krông Ana, Krông Búk và thị xã Buôn Hồ cũng “sập bẫy” lừa đảo của bà L. như họ. Các hộ dân trên đều đã làm đơn tố cáo gửi đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk và được trả lời rằng không khởi tố vụ án hình sự do không có cơ sở. Việc làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các hộ dân trên và bà N.T.K.L được sự thỏa thuận giữa 2 bên và được công chứng tại các Văn phòng công chứng nên nội dung tố giác không có sự việc phạm tội.

Đại tá Nguyễn Văn Bôn, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo: Để tránh bị lợi dụng sự thiếu hiểu biết để chiếm đoạt  sổ đỏ, người dân nên trực tiếp đến ngân hàng để được tư vấn nếu có nhu cầu vay vốn; nên kê khai trung thực về giá trị tài sản; chính quyền và các cơ quan chức năng cần có sự can thiệp, hỗ trợ người dân. Với trường hợp của các hộ dân nói trên nên tiến hành khởi kiện ra tòa để xác minh tính xác thực của việc sang nhượng quyền sử dụng đất…

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.