Tai nạn giao thông: Nỗi ám ảnh không bao giờ nguôi!
Sau mỗi vụ tai nạn giao thông, ngoài những mất mát, tổn thương của người gặp nạn là nỗi ám ảnh không bao giờ nguôi đối với người thân, bạn bè của họ.
17 năm đã trôi qua nhưng đến giờ chị H’Hóe Knul, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) vẫn còn ám ảnh bởi vụ tai nạn xảy ra với chồng mình vào năm 2000. Năm đó trong lúc chở lúa từ ruộng về nhà, không may anh Y Đố Byă (chồng chị) bị lật xe, gãy xương sườn. Sau 7 năm chữa trị, do các vết thương ngày càng nặng, năm 2007, chồng chị đã ra đi vĩnh viễn, để lại cho chị đứa con thơ. Chị chia sẻ, từ ngày chồng gặp nạn, mọi việc trong nhà một tay chị quán xuyến, có lúc chị muốn gục ngã, nhưng nghĩ đến đứa con chị phải gượng dậy để gánh phần trọng trách của chồng nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.
Hơn 3 tháng trôi qua, anh Phạm Minh Liêm, xã Ea Mnang (huyện Cư M’gar) vẫn còn bần thần mỗi khi nghĩ đến cái chết của đứa con trai mới 5 tuổi. Vào ngày 16-8-2017, cháu Phạm Minh Đăng cùng hai bé khác đang chạy ra khu vực công trình làm đường của thôn để chơi. Các cháu đùa nghịch cùng đu lên phía sau xe lu, không may bé Đăng bị tuột tay ngã xuống đường và bị bánh xe cán qua người tử vong tại chỗ. Gia đình 5 miệng ăn chỉ một mình anh cáng đáng, nên anh thường phải ra thị trấn Quảng Phú làm thuê đến tối mịt mới về, một mình vợ ở nhà vừa chăm lo đứa con mới sinh vừa trông coi 2 bé còn lại. Việc nhà bận rộn, con hiếu động, chỉ một lúc không để ý đến con thì tử thần đã đưa con đi mãi mãi.
Ông Bùi Văn Ngọc, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh thăm hỏi gia đình bà Hồ Thị Xuân Hòa (TP. Buôn Ma Thuột). |
Đến thăm gia đình thân nhân chị Phạm Thị Bích Tuyền (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) là nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn nghiêm trọng vào tháng 8 vừa qua, chúng tôi không khỏi xót xa khi nhìn gương mặt ngây thơ của bé Bích Vy (10 tháng tuổi, con gái chị Tuyền). Bé đang còn quá nhỏ, chưa thể hiểu được những mất mát khi mất đi người mẹ thường ngày chăm bẵm, bồng bế mình. Nhưng đó có lẽ là vết thương không bao giờ lành đối với những người thân khác trong gia đình chị Tuyền. Bế cháu trên tay, bà Hồ Thị Xuân Hòa (mẹ chị Tuyền) gần như ngã quỵ vì sự ra đi đột ngột, thảm thương của con gái. Bà nghẹn ngào: “Sáng sớm, mới nghe nó (chị Tuyền) chào con đi làm, nhưng chỉ 30 phút sau gia đình bà nhận hung tin…”. Vẫn biết, con mất rồi không thể sống lại, nhưng giờ nhìn đứa cháu non nớt còn trong giai đoạn cần dòng sữa mẹ, bà lại không cầm nổi nước mắt. Từ ngày Tuyền mất, bé Vy phải uống sữa ngoài, do không hợp nên ốm đau triền miên. Cũng từ ngày vợ mất, chồng chị cũng trở nên suy sụp, người gầy rộc đi, kinh tế gia đình vốn đã eo hẹp nay chỉ dựa vào đồng lương thợ hồ ít ỏi của anh nên cuộc sống gia đình, cảnh “gà trống nuôi con” của anh càng khó khăn hơn…
Trên đây chỉ là 3 trong số hàng nghìn trường hợp đang phải gánh chịu nỗi đau do tai nạn giao thông gây nên. Đó không chỉ là nỗi ám ảnh với người ở lại mà còn là hồi chuông cảnh báo cho tất cả những ai khi tham gia giao thông hãy ý thức rằng: “Thà chậm một giây còn hơn gây tai nạn” để an toàn cho mình và những người xung quanh.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 10 tháng năm 2017, cả nước xảy ra 16.167 vụ tai nạn giao thông, làm 6.827 người chết, hơn 13.000 người bị thương tật. Như vậy, trung bình mỗi ngày cả nước có gần 23 người chết do hiểm họa này gây ra. |
Hoàng Tuyết – Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc